Khoảng 55% trong số các con lợn còn sống được lấy mẫu có kháng thể - cho thấy đã mắc bệnh và khỏi bệnh, 43% không có kháng thể và 2% không xác định được.

Thông tin này được PGS. TS Đỗ Đức Lực – Phó Trưởng Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết tại Hội thảo “Hành trình khống chế dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam” do Học viện Nông Nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 13/11.

Là một trong những đơn vị sớm nhất tại Việt Nam nghiên cứu về dịch tả lợn châu Phi - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn với tỉ lệ chết có thể lên đến 100%, Học viện Nông nghiệp đã được giao nhiệm vụ đánh giá, xác định nguyên nhân cũng như các cơ chế liên quan đến các con lợn sống sót trong các ổ dịch.

PGS.TS Đỗ Đức Lực trình bày kết quả sơ bộ tại hội thảo. Ảnh: MH

Trình bày về nghiên cứu sơ bộ này tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Đức Lực cho biết, nhóm đã đi tìm và thu thập hơn 600 mẫu từ các con lợn sống sót tại 17 tỉnh thành ở Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đắk Lắk... để tìm hiểu về đặc điểm sinh lý và xác định xem virus và kháng thể của virus này có ở trong những con lợn sống sót sau dịch hay không.

Kết quả cho thấy, có khoảng 18% trong số các con lợn sống sót được lấy mẫu dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 63% âm tính với virus và 19% không xác định rõ.

Đồng thời, có khoảng 55% trong số các con còn sống được lấy mẫu có kháng thể - cho thấy đã mắc bệnh và khỏi bệnh, 43% không có kháng thể và 2% không xác định được. Đáng chú ý, phần lớn những con có kháng thể không phát hiện thấy virus ở trong máu: chỉ có 4% trong số đó dương tính với virus và kết quả xét nghiệm cũng nằm ở ngưỡng có thể âm tính.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tiếp tục theo dõi những con lợn sống sót khi trở thành lợn nái và cả những con lợn nái đã mắc bệnh và khỏi bệnh. “Kết quả là, 154 con lợn nái này đều có kháng thể, đặc biệt có những con mắc bệnh từ tháng 2/2019 nhưng đến nay kháng thể vẫn còn. Khi xét nghiệm 311 con lợn con ở nhiều độ tuổi khác nhau do những con lợn nái này sinh ra thì có 122 con có kháng thể. Đặc biệt, ở một trại trong Đồng Nai, hiện có lợn đẻ ở lứa thứ hai rồi nhưng vẫn còn kháng thể”, PGS.TS Đỗ Đức Lực cho biết.

Chia sẻ thêm về khả năng sinh tồn của những con lợn con này, PGS.TS Đỗ Đức Lực cho hay, trong số 5 trại có loại lợn này được nhóm nghiên cứu, 4 trại có lợn con vẫn sinh trưởng bình thường, không chết hay đau ốm. Tuy nhiên, trại còn lại có khoảng 1/4 số lợn con sinh ra bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi khi được khoảng 2 tháng tuổi dù trước đó xét nghiệm đều có kháng thể.

“Với tỉ lệ chết khoảng 1/4 như vậy, theo suy luận của một người làm về di truyền như tôi, nếu cho rằng có một gen nào đó, thì tất cả những con lợn bị chết là do đồng hợp tử lặn, còn 3/4 còn lại là đồng hợp tử trội nên sẽ có cơ hội sống sót", PGS.TS Đỗ Đức Lực nói.

Tuy nhiên, "có một điều chưa thể trả lời được là vậy tại sao ở bốn trại kia thì lợn con lại không bị chết?", nên nhóm nghiên cứu chưa thể biết liệu có kháng thể thì có chống được dịch bệnh hay không.

Bởi vậy, ông cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu sơ khởi, các số liệu sẽ liên tục được cập nhật và sẽ còn cần nhiều bước nghiên cứu tiếp theo ví dụ như giải trình tự gen để tìm hiểu xem có vị trí nào có gen đặc biệt hay không. “Phần này hiện nay nhóm không thực hiện được ở Việt Nam và dự kiến sẽ phối hợp với 3 giáo sư ở nước ngoài để nghiên cứu vào năm 2021”, PGS.TS Đỗ Đức Lực cho biết.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên trong việc chăn nuôi và tái đàn lợn sau dịch. Theo PGS.TS Đỗ Đức Lực, việc giảm mật độ đàn lợn trong trại xuống có thể giúp giảm bớt nguy cơ phơi nhiễm và gây ra dịch bệnh. Còn theo PGS. TS. Phạm Kim Đăng – Trưởng khoa chăn nuôi, ngoài biện pháp an toàn sinh học, cần nâng cao sức đề kháng cho các con vật bằng các giải pháp khác nhau như tăng cường sức khỏe đường ruột bằng các chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Văn Phan, Phó Trưởng phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y cho rằng, điều quan trọng là người chăn nuôi nhận diện nguy cơ có thể đem virus vào và kiểm soát sao cho virus không có cơ hội vào trại.