Niềm tin, trao quyền, tháo gỡ khó khăn về tài chính… là những mong muốn được các nhà khoa học 8X gửi gắm tới Thủ tướng trong buổi gặp gỡ lần đầu tiên vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 11/9.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng các nhà khoa học tiêu biểu trong buổi gặp gỡ ngày 11/9/2015
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng các nhà khoa học tiêu biểu trong buổi gặp gỡ ngày 11/9/2015
Bắt đầu từ niềm tin và phương thức truyền đam mê
Là một trong số ý kiến trực tiếp báo cáo với Thủ tướng, TS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng phòng, Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - chỉ ra nhiều khó khăn đối với các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu.

Theo đó, TS Phúc cho biết, từng tham gia vào nghiên cứu khoa học đã hơn mười năm qua và cũng đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài - từ cấp cơ sở lên cấp nhà nước đến các chương trình quốc gia - nên rất hiểu cái khó mà các nhà khoa học gặp phải. Chia sẻ với ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân rằng trong nước chúng ta đang rất thiếu các khoa học đầu ngành, TS Phúc cho rằng: Như vậy chúng ta biết là thiếu thì chúng ta phải làm gì đó để cho nó đủ chứ không phải chúng ta biết thiếu mà vẫn cứ để nó thiếu.

Dẫn thực tế từ một quốc gia rất phát triển như Mỹ, TS Phúc cho rằng việc đào tạo các nhà khoa học theo kiểu mantory - tức là phải có một ông thầy. Một người tuy rất giỏi, nhưng cần biết truyền đam mê cho học trò của mình, và như vậy có hay hơn không?

Theo vị tiến sĩ trẻ này thì chúng ta cần phải xem lại việc xây dựng những trung tâm đào tạo - nơi có những người thầy là nhà khoa học giỏi đầy đam mê, sáng tạo để truyền cảm hứng cho học trò.

“Nếu có nhiều cơ sở như vậy trên cả nước, khoảng 5 năm nữa, không phải chỉ có 68 nhà khoa học trẻ tiêu biểu mà chúng ta sẽ có khoảng 680 nhà khoa học tiêu biểu hoặc là 6.800 nhà khoa học trẻ tiêu biểu trên toàn quốc thì khi đó mới đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực khoa học công nghệ cho phát triển đất nước” - TS Phúc hy vọng.

Một khó khăn được TS Phúc gửi gắm tới Thủ tướng cũng như cơ quan quản lý khoa học, đó là cơ chế chính sách.

Đánh giá cao thời gian qua Bộ KH&CN đã có nhiều cách giải quyết cho sự phát triển khoa học công nghệ, nhiều chính sách đã được đưa ra; trong đó đặc biệt là chính sách về tài chính, tuy nhiên TS Phúc cho rằng vẫn chưa được tháo gỡ một cách hoàn toàn.

“Phải nói một điều rằng là ngày càng nhiều quy định ràng buộc các nhà khoa học và làm nghiên cứu khoa học không được tự do. Và cuối cùng suy đi nghĩ lại, tôi thấy vấn đề có lẽ là ở các nhà quản lý các cấp không tin tưởng những nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng và thực sự mà nói, trong nghiên cứu khoa học nếu các cấp lãnh đạo không tin tưởng mình thì đó là một trong những điều gây chán nản rất lớn đối với các nhà khoa học trẻ. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa nhất trả lời cho các vấn đề: Tại sao các nhà khoa học trẻ phải rời viện nghiên cứu cũng như đi ra nước ngoài (?!)” - TS Phúc nhận định.

Theo đó, vị tiến sĩ trẻ này cho rằng có một sự khủng hoảng niềm tin ở đây xảy ra, đó là không tin tưởng nhau, làm cho vấn đề triển khai các dự án, đề tài cũng như làm việc rất khó.

“Chúng ta thấy, cũng như trong gia đình, nếu hai vợ chồng mà không tin tưởng nhau, chồng thì cứ nghi ngờ vợ, vợ ngờ vực chồng thì không thể phát triển được. Và ở đây cũng vậy, nếu chúng ta đồng sức đồng lòng thì chúng ta sẽ rất dễ phát triển. Tôi hi vọng rằng, nếu như toàn bộ các cán bộ nghiên cứu trong cả nước không được tin tưởng thì cũng nên tin tưởng vào vài người. Từ đó nhân sự tin tưởng lên và chúng ta đầu tư, xây dựng những trung tâm làm cơ sở và hạt nhân cho sự phát triển khoa học công nghệ cho cả nước” - TS Phúc chân thành kiến nghị.

Cũng nói về niềm tin, TS Phạm Thị Tuyết Nhung - nghiên cứu viên, Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - bày tỏ: “Thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đi trước hãy tin tưởng hơn vào thế hệ trẻ chúng tôi. Chúng tôi luôn muốn đóng góp chính đáng và rõ ràng. Ngay cả chỉ khi một số trong các mục tiêu này có thể đạt được thì đấy là một bước tiến lớn cho nền vật lý đất nước”.

Các nhà khoa học trẻ vinh dự được bắt tay Thủ tướng
Các nhà khoa học trẻ vinh dự được bắt tay Thủ tướng
Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao những thành tích mà các nhà khoa học trẻ đã đạt được cũng như chia sẻ những khó khăn tồn tại.

Theo ông Quân, thời gian qua Bộ KH&CN luôn nỗ lực đổi mới quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ, Quỹ phát triển khoa học quốc gia NAFOSTED được bộ vận hành năm 2008 đã ưu tiên các nhà khoa học trẻ chủ trì nhiều nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, tham dự các hội nghị khoa học quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài.

Số các nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia được quỹ tài trợ đã tăng rất nhanh, từ 5% năm 2009 lên đến gần 70% năm 2014. Số công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín đã tăng với tốc độ 30% hằng năm và chiếm tới 25% trong tổng số các công bố quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.

Bên cạnh hàng chục chương trình khoa học công nghệ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ KH&CN cũng tích cực triển khai nhiều dự án hỗ trợ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như đề án thương mại hóa công nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon, chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, dự án thúc đẩy đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN do Ngân hàng Thế giới tài trợ, dự án ươm tạo công nghệ do Vương quốc Bỉ tài trợ, dự án xây dựng viện KHCN do Việt Nam – Hàn Quốc khởi thảo theo mô hình của Viện KIST Hàn Quốc, đề án thí điểm nhiệm vụ tiềm năng dành cho các nhà khoa học trẻ…

“Các nỗ lực chính sách nói trên không có mục đích gì khác ngoài việc mang lại cho các nhà khoa học và những người làm khoa học trẻ ở nước ta môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi nhất. Từ đó giúp các nhà khoa học toàn tâm toàn trí lao động, sáng tạo, đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận cơ chế tài chính đầu tư cho KH&CN còn bất cập và tính khả thi, tính thực thi còn rất nhiều bất cập.

“Chúng ta chưa có chính sách thực sự có hiệu quả trong việc sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và người tài. Tuy nhiên, để hình thành được cơ chế mới và phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, thực hiện được những cơ chế, chính sách mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, một mình Bộ KH&CN chưa đủ thẩm quyền và điều kiện để thực hiện. Sự nghiệp chung đòi hỏi sự nỗ lực và đồng thuận của toàn xã hội. Vì vậy ngoài nỗ lực của mình, chúng tôi trông cậy vào sự chia sẻ và hợp lực của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống truyền thông dành cho KH&CN và lực lượng khoa học trẻ” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Lắng nghe, chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực cũng như những kết quả đã đạt được của khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng, tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học trẻ đem nhiệt huyết, tài năng và niềm đam mê của mình, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Thủ tướng đang lắng nghe những tâm sự và đề xuất của các nhà khoa học trẻ.
Thủ tướng đang lắng nghe những tâm sự và đề xuất của các nhà khoa học trẻ.

Để tiếp tục phát huy có hiệu quả tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học trẻ và ươm mầm, nuôi dưỡng, lan tỏa niềm say mê khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp cần quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ, có cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi cho đội ngũ các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như phải rà soát, hoàn thiện, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, gắn liền với chính sách đào tạo các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành từ các nhà khoa học trẻ.

Thủ tướng yêu cầu cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ được tiếp cận hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ; được tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình, đề án khoa học của các cơ quan nhà nước, động viên, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, công nghệ...

“Chính phủ sẽ làm hết sức mình và với trách nhiệm cao nhất để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực, chất lượng cao và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ” - Thủ tướng khẳng định.