Với tình trạng hiện nay, không dễ để sách khoa học Việt Nam có thể tìm được chỗ đứng xứng đáng. Để làm được điều này, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía.

a

Ông Nguyễn Quang Thạch - người đã và đang thực hiện chương trình “Sách hoá nông thôn” và “Tủ sách phụ huynh” bày tỏ: “Muốn đưa sách khoa học tới gần hơn với độc giả, trước hết khu vực nhà nước và tư nhân phải tăng cường xuất bản sách khoa học, dịch sách khoa học. Thứ hai là khuyến khích các mô hình thư viện như “Sách hoá nông thôn” để “đánh thức” các đầu sách khoa học trên thị trường. Tiếp nữa, giáo trình dạy cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tập trung vào thực hành khoa học. Chẳng hạn, huyện Quỳnh Phụ, Thái Thuỵ, Thái Bình vừa được chương trình “Sách hoá nông thôn” phối hợp với nhà sách Long Minh giúp đỡ lập ra 170 câu lạc bộ khoa học. Khi đó, lượng sách khoa học được sử dụng và học trò được trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng được mong muốn đọc sách khoa học của con trẻ”.

“Nếu không có các câu lạc bộ khoa học kích thích sáng tạo, kích thích “học” qua “hành” trong nhà trường thì có sách cũng không mấy tác dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra chương trình dạy tích hợp liên môn, tăng thực hành trong nhà trường cũng là một cách để sách khoa học được sử dụng nhiều hơn trong trường học cũng như trong đời sống nhân dân. Một ý nữa là cần phải đưa cụm từ “khoa học” và sách khoa học vào tâm thức đại chúng để kích thích ham muốn của độc giả đang lớn, từ đó giúp bán được nhiều sách khoa học hơn” - ông Thạch nói thêm.
a

Dịch giả Phạm Văn Thiều chia sẻ: “Muốn thay đổi hiện trạng sách khoa học hiện nay, bên cạnh việc làm tốt công tác quảng bá, các nhà trường phải đóng vai trò to lớn hơn trong việc tiêu thụ và rèn luyện thói quen, văn hóa đọc sách khoa học. Từ đó, nâng cao được số lượng sách in ra, nhà xuất bản, dịch giả đều được hưởng lợi, họ sẽ có động lực hơn để tham gia vào quá trình làm sách”.

a


Giáo sư Cao Chi cho hay: “Cần có một tổ chức, một nhóm dịch giả giỏi chuyên môn quyết tâm dịch sách. Đồng hành cùng họ là những nhà xuất bản dám bỏ tiền ra in sách. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu nhu cầu độc giả để đáp ứng”.

Điều đáng mừng là hiện nay không ít cá nhân và nhà xuất bản có tâm huyết muốn tham gia vào công tác quảng bá sách khoa học.

Điển hình là ông Nguyễn Quang Thạch với chương trình “Sách hoá nông thôn”, “Tủ sách phụ huynh”; như Nhà xuất bản Trẻ với tủ sách “Khoa học và khám phá” của dịch giả Phạm Văn Thiều và các cộng sự, như Nhà xuất bản Long Minh...

Hi vọng rằng, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học, dịch giả, biên tập viên, nhà xuất bản..., sách khoa học sẽ dần tìm lại được vị thế xứng đáng của mình trong làng sách Việt.