Thông qua các nhiệm vụ thuộc 7 chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, trong 5 năm qua, các nhà khoa học đã phát triển và hoàn thiện hơn 380 giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ mới mà nhiều trong số đó đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị tổng kết. Ảnh: MH

Tại Hội nghị Tổng kết các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 13/12, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, có 257 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai bởi 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành đến từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước với tổng kinh phí 2.145 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách nhà nước là 1.533 tỷ đồng).

“Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn phục vụ cho ngành, địa phương, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như có giá trị khoa học cao ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần tích cực cho đào tạo và phát triển nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước”, Thứ trưởng đánh giá.

Ông dẫn ví dụ, đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều báo cáo kiến nghị, chắt lọc từ kết quả của các nhiệm vụ đã được gửi tới các cơ quan ban ngành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội phục vụ cho việc soạn thảo nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ từ 7 chương trình đã tạo ra 469 loại sản phẩm dạng 1, trong đó có: 103 loại thiết bị máy móc; 85 loại vật liệu mới; 31 dây chuyền công nghệ; 69 các mẫu, mô hình; 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm, đã được thương mại hóa với giá trị hàng trăm tỷ đồng trong quá trình thực hiện.

Không chỉ vậy, các chương trình cũng đã giúp Việt Nam làm chủ 384 giải pháp, quy trình công nghệ; tạo ra 90 cơ sở dữ liệu/bộ số liệu, 60 phần mềm các loại. Nhiều giải pháp/quy trình công nghệ sau khi hoàn thiện đã được ứng dụng vào thực tiễn và đem lại giá trị kinh tế - xã hội cao.

Một trong số những công nghệ tiêu biểu như vậy là quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não. Theo đánh giá từ báo cáo của chương trình, việc các nhà khoa học thực hiện thành công các ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống và từ người chết não đã mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh phổi giai đoạn cuối ở Việt Nam. Thành công này cũng góp phần giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của bệnh lý hô hấp, cũng như là bước đi tiếp theo giúp chấm dứt sự tụt hậu của kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam.

Hay một thành tựu khác từ chương trình là công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ gia đa năng FNT6VN, phù hợp để sử dụng cho mọi nhiên liệu lỏng, gồm xăng, xăng sinh học, diesel, diesel sinh học và dầu đốt lò. Với những tính năng nổi trội giúp cho nhiên liệu pha phụ gia FNT6VN có khả năng tăng công suất ít nhất 5%, tiết kiệm nhiên liệu ít nhất 8%, giảm khí thải độc hại HC, CO và độ khói từ 5-20%, công nghệ này đã mang về doanh thu gần 5 tỷ VNĐ cho đơn vị chủ trì nghiên cứu.

Chia sẻ thêm về các kết quả, PGS.TS Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, cho biết, các chương trình còn công bố hơn 200 bài báo trong các tạp chí có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus; đồng thời tham gia đào tạo hơn 200 tiến sĩ và 400 thạc sỹ; đăng ký sở hữu trí tuệ hơn 128 kết quả. “Nếu so sánh với các chương trình tương đương của giai đoạn trước thì [kết quả] đã tăng 48%”, ông Đạt nói.

Thiếu các nhiệm vụ hoặc chùm nhiệm vụ quy mô, có tính định hướng những vấn đề lớn

PGS.TS Trần Đỗ Đạt cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong giai đoạn vừa qua. Đó là có những chương trình còn “rộng” hơn so với khung thời gian 5 năm; mặt khác, chưa có nhiều nhiệm vụ hoặc chùm nhiệm vụ quy mô, có tínhđịnh hướng những vấn đề lớn. Ngoài ra, “hệ thống văn bản tuy tương đối đồng bộ nhưng vẫn còn có một số bất cập, trong đó văn bản liên quan đến tài chính còn chưa phù hợp với đặc thù của nhiệm vụ khoa học công nghệ. Việc xử lý tài sản còn đang khó khăn do các văn bản liên quan đến xử lý tài sản còn chưa hoàn thiện”.

Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH

Phát biểu với hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ vừa qua. Ông cho biết, Bộ KH&CN đã ý thức được những điểm hạn chế trong giai đoạn này và sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học cũng như ban chủ nhiệm chương trình để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trong giai đoạn tới.

"Trong quá trình tái cơ cấu các chương trình, Bộ KH&CN cũng đang tích cực phối hợp với các bộ ngành khác hoàn thiện thể chế, các thông tư hướng dẫn để cải cách và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp tham gia và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý từ các khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và đánh giá nghiệm thu để hoạt động của các chương trình ngày càng hiệu quả hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: MH

Tại sự kiện, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã tặng bằng khen cho các cá nhân đã có đóng góp tích cực cho công tác tư vấn, phối hợp, tổ chức, xây dựng và quản lý nhiệm vụ; các cá nhân thực hiện các nhiệm vụ và các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020.