Điều này bắt nguồn từ thực tế quy mô chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, dẫn đến khó quản lý và kiểm soát. Ngoài ra, khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm cùng đường biên giới dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và xâm nhập vào Việt Nam.

Từ ngày 7-9/10, Hội Bệnh lý Thú y châu Á (ASPV) tổ chức Hội thảo bệnh lý thú y châu Á lần thứ 9 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ lúc ASPV thành lập vào năm 2003 nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực thú y.

Với chủ đề "Bệnh lây truyền giữa người và động vật, bệnh truyền qua thực phẩm, bệnh mới nổi và ung thư", Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, chuyên gia về đối phó với các loại dịch bệnh trong lĩnh vực thú y là điều hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại bệnh mới trên động vật đang bùng phát thời gian gần đây.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu trong hội thảo. Nguồn: VNUA

Điều này càng có ý nghĩa với một nước nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm gần 30% cơ cấu nông nghiệp. Với những bước phát triển nhanh chóng, ngành chăn nuôi đã đạt nhiều kết quả ấn tượng: đứng thứ 2 thế giới về sản lượng thủy cầm (vịt), đứng thứ 4 thế giới về sản lượng thịt lợn, đứng thứ 12 trên thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi (thống kê năm 2016 của Bộ NN&PTNT).

Tuy nhiên, "sau khoảng thời gian phát triển 'nóng' 20 năm qua, ngành chăn nuôi bắt đầu bộc lộ những điểm nghẽn", ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận xét. Bên cạnh những vấn đề về thị trường đầu ra, chất lượng an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường,… "Khó khăn lớn nhất chúng ta phải đối mặt hiện nay là kiểm soát dịch bệnh", ông nói.

Điều này bắt nguồn từ thực tế quy mô chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, dẫn đến khó quản lý và kiểm soát. Ngoài ra, khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm cùng đường biên giới dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và xâm nhập vào Việt Nam.

Chẳng hạn như dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện ở nước ta vào đầu tháng 2/2019 nhưng đã "làm chao đảo" ngành chăn nuôi, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.000 xã thuộc gần 700 huyện của 63/63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 5 triệu con.

"Dù nhà nước đã nhanh chóng tiến hành nghiên cứu và có biện pháp hỗ trợ người nông dân nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được ổn định, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp", ông Nguyễn Xuân Dương cho biết. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi và người tiêu dùng. Giá thịt lợn hiện nay đang tăng lên nhanh chóng, chỉ trong 1 tuần giá đã tăng 10.000 đồng/kg.

Thực trạng trên đòi hỏi cần có một giải pháp đồng bộ, ông Nguyễn Xuân Dương nhận xét. Một thuận lợi lớn là đến năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có Luật Chăn nuôi với cách tiếp cận mới.

"Chúng tôi sẽ tiếp cận chăn nuôi theo một chuỗi khép kín, tập trung vào yếu tố khoa học và kỹ thuật, từ khâu giống, thức ăn, chuồng trại, giết mổ, chế biến cho tới kết nối thị trường. Nhờ đó kiểm soát được dịch bệnh, an toàn thực phẩm và đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào quá trình chăn nuôi", ông nói.