Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định như vậy tại "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ II" diễn ra sáng 23/12 tại Hà Nội.

"Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng," ông nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. Nguồn: Vnexpress.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. Nguồn: Vnexpress.vn

Điểm lại những thành tựu sau một năm Make in Vietnam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra những con số mà ông đánh giá là kỷ lục: có thêm hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tương đương tăng 28%. Ở thời điểm chiến lược này ra đời, con số được kỳ vọng cao nhất là thêm 6.000 doanh nghiệp số mỗi năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được giương cao". Vì vậy, ông kỳ vọng Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025 thay vì năm 2030 như mục tiêu ban đầu (hiện Việt Nam có 58.000 doanh nghiệp số).

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 vừa qua, những sản phẩm công nghệ số từ ứng dụng Ncovi, Bluezone, CoMeet tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... đã chứng minh được sức mạnh sáng tạo của Việt Nam. Vì vậy, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: "Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này".

Nói về mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, "đây là chặng đường dài nhiều chục năm" và "Công nghệ mở" được vị tư lệnh ngành công nghệ thông tin nhắc đến như một lời giải. "Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại".

Tin rằng, năm 2021 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam vì thế, ông kêu gọi mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và được cộng lực với nhau.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ 3 từ phải sang) và Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nghe FPT giới thiệu về công nghệ. Ảnh: Vnexpress.vn
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ 3 từ phải sang) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải sang) nghe đại diện FPT giới thiệu về công nghệ. Ảnh: Vnexpress.vn

Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ II cũng nhận được thư chúc mừng từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong thư, Thủ tướng đánh giá hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Với năm 2020 đầy thách thức, những doanh nghiệp này đã thể hiện được vai trò cùng với những doanh nghiệp lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh của Việt Nam.

Thủ tướng nhắn nhủ, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc chuyển đổi công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường và kỳ vọng với những hỗ trợ từ Chính phủ và cơ hội mới, cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.