"Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, tài nguyên du lịch là nguồn tài sản hết sức quý báu nếu chúng ta biết đầu tư, khai thác xứng đáng tài sản này sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung".

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN)- Trần Việt Thanh khẳng định như vậy tại hội thảo khoa học quốc tế “Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch” tổ chức tại Trường Đại học Ngoại thương sáng 10/06.

Các chuyên gia tham dự buổi hội thảo (theo thứ tự từ trái sang phải), ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Le Group of Companies;ông Lê Ngọc Lâm - Phó cục trưởng Cục SHHT;PGS,TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương;bà Francesca Toso, tư vấn viên cao cấp của WIPO.

Hiện nay, du lịch đang được xác định là một ngành công nghiệp không khói, có vài trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Ở Việt Nam ngành du lịch được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú, hấp dẫn đối với du khách và người dân Việt Nam. Nhiều địa phương có rất nhiều các sản vật đặc thù, địa danh lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng và nguồn tài nguyên du lịch này đang được quan tâm và khai thác.

"Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, tài nguyên du lịch là nguồn tài sản hết sức quý báu nếu chúng ta biết đầu tư, khai thác xứng đáng tài sản này sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung cũng như trong ngành du lịch nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Có thể nói tài sản SHTT chưa thật sự là động lực để phát triển ngành du lịch ở các địa phương và họ (địa phương) còn thiếu những phương pháp, kinh nghiệm để khai thác tài sản SHTT phục vụ cho phát triển du lịch.

Khẳng định sự quan tâm của Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về pháp luật, tuyên truyền, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các địa phương trong việc xây dựng, đăng ký và bảo hộ, khai thác tài sản SHTT; kịp thời nắm bắt được những thông tin, thuận lợi, khó khăn, và có những hành động thiết thực trong việc khai thác hiệu quả nâng cao giá trị tài sản SHTT gắn liền với sự phát triển du lịch địa phương một cách bền vững".

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, để tạo ra những bước phát triển đột phá cho ngành du lịch Việt Nam, các địa phương cần phải khơi dậy tiềm năng về tài sản trí tuệ của mình thay vì dựa vào những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như trong thời gian qua.

Dẫn minh chứng cho điều này, bà Francesca Toso - tư vấn viên cao cấp của WIPO cho biết, trên thế giới, rất nhiều địa phương đã phát triển những tên gọi trở thành biểu tượng văn hóa, không chỉ truyền tải và bảo vệ các giá trị độc đáo, nghệ thuật, lịch sử, chất lượng cuộc sống, sự năng động, tinh thần đổi mới sáng tạo... của địa phương mà còn là một công cụ hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững.