Sáng 06/02, dự án “Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo (ĐMST) và sở hữu trí tuệ (SHTT) trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp” đã chính thức được khởi động.

Lễ khởi động dự án nằm trong khuôn khổ hội thảo: “Đào tạo và truyền thông về ĐMST và SHTT tại các trường đại học” nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền thông về ĐMST và SHTT tại các trường đại học; góp phần phát huy sáng kiến, cung cấp thông tin, kiến thức, hình thành mạng lưới các chuyên gia trong lĩnh vực này. Hội thảo do Công ty TNHH IPCom Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo “Đào tạo và truyền thông về ĐMST và SHTT tại các trường đại học”. Ảnh: Lê Loan

Phát biểu tại hội thảo, PGS -TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương cho biết, vấn đề ĐMST và SHTT được nhà trường đặc biệt quan tâm. “Thời gian qua lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô ở các khoa đã rất tâm huyết với lĩnh vực ĐMST và SHTT, chúng tôi đã thổi được tinh thần đến cho sinh viên và sinh viên rất nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, là một trong những trường đại học đầu tiên đưa môn SHTT thành một môn học độc lập chúng tôi rất muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó đến các trường đại học trên cả nước”, ông Tuấn nói và cho biết hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được chú trọng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, SHTT là công cụ đắc lực của hoạt động ĐMST phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, SHTT là nội dung của các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Đây là nội dung được đưa ra để tranh luận, đàm phán, tìm tiếng nói chung, là nội dung khó khăn và phức tạp nhất nên có thể thấy SHTT rất quan trọng với mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Sơn trong lĩnh vực này, ngoài việc nhận thức về SHTT còn thấp thì nguồn lực SHTT của Việt Nam vẫn còn thiếu. Vì vậy, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý một số dự án liên quan tới đào tạo chuyên sâu về SHTT, trong đó có dự án nâng cao nhận thức về ĐMST và SHTT trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Sơn kỳ vọng khi các dự án này thực hiện thành công thì vấn đề nhân lực SHTT sẽ đáp ứng được nhu cầu từ thực tế.

Tại hội thảo Công ty TNHH IPCom Việt Nam, Đại học Ngoại thương và Báo điện tử VietnamPlus đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai dự án "Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp".

Đại diện các bên ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai dự án. Ảnh Lê Loan.

Chia sẻ về mục tiêu chính của dự án, bà Trần Thị Tám- CEO IPCom Việt Nam cho biết: "Chúng tôi mong muốn thông qua dự án sẽ tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa ĐMST và SHTT trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo diễn đàn kết nối các chuyên gia và sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn; thông qua các diễn đàn, hội thảo, tuyên truyền được vai trò và sự gắn kết của ĐMST và SHTT trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp một cách sâu rộng".

Dự kiến, trong vòng 2 năm (2018-2019), dự án này sẽ thực hiện báo cáo đánh giá năng lực về ĐMST và quản trị tài sản trí tuệ tại các trường đại học, startup; tổ chức hội thảo; truyền thông với nhiều hình thức như Rap ​News, Mega-Story, Infographics, Fanpage và bản tin điện tử định kỳ xuất bản hàng tháng gửi ít nhất 500 đơn vị/cá nhân có nhu cầu.

Cũng theo bà Tám mô hình của dự án có thể nhân rộng cho nhiều đối tượng theo nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhằm tạo diễn đàn cho các đối tượng khác nhau có thể dễ dàng tiếp kiến thức và sự hỗ trợ trong việc xác lập và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình đồng thời thúc đẩy sự gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu với các doanh nghiệp, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước.