Lần đầu tiên một nghiên cứu trắc lượng đối với sản lượng và hành vi công bố khoa học quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV) được công bố.

Sáng ngày 7/10, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường ĐH Thành Tây đã công bố những kết quả ban đầu trong dự án mạng lưới các nhà khoa học xã hội Việt Nam mà trung tâm này thực hiện từ tháng 1/2017 tới nay.

Nhiều con số và nhận định thú vị về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH-NV của Việt Namlần đầu tiên được công bố.

"Nói khoa học xã hội khó công bố quốc tế là không thuyết phục!"

Trong báo cáo chính trình bày kết quả ban đầu của nhóm nghiên cứu, 2 nhà nghiên cứu của trung tâm là các ông Hồ Mạnh Tùng và Nguyễn Tô Việt Hà cho biết, trong vòng 9 tháng, nhóm đã thu thập được thông tin của 412 nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV của Việt Nam có các bài đăng trên các ẩn phẩm khoa học thuộc danh mục Scopus trong vòng 10 năm, từ 2008-2017.

Sản lượng công bố quốc tế của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực KHXH-NV.

Dù khẳng định 412 chưa phải là con số đầy đủ, song nhóm nghiên cứu cũng tin rằng, với phương pháp thu thập thông tin các tác giả của mình, con số này đã chiếm tới 80% số tác giả có công bố khoa học trong danh mục tạp chí của Scopus.

Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có những học giả thành công trong việc công bố quốc tế đến từ những ngành được cho là đặc thù của Việt Nam. Thực tế này chỉ ra sự thiếu thuyết phục của luận điểm cho rằng, yêu cầu công bố trên ấn phẩm quốc tế không phù hợp với đặc thù của KHXH-NV tại Việt Nam.

Phân tích dữ liệu từ các công bố khoa học của 412 tác giả này cho thấy, xuất bản trong lĩnh vực KHXH-NV của người Việt Nam trên các ấn phẩm khoa học của Scopus bao trùm ít nhất 12 lĩnh vực lớn từ luật, chính trị, quản trị, ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật cho tới xã hội học, tâm lí học…

"Nếu trong ngành KHXH-NV đã có những nhà khoa học thành công như vậy, thì phản ứng hợp lý trước tiêu chuẩn đào tạo mới hoặc dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS nên bắt đầu từ tìm hiểu rõ những yếu tố dẫn đến việc họ vượt qua được rào cản về tính đặc thù để công bố quốc tế, chứ không phải phủ nhận khả năng công bố quốc tế của nền tảng KHXH-NV nước nhà bằng những đánh giá mang tính chủ quan, cảm tính".

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cũng cho thấy, sản lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam trong các lĩnh vực KHXH-NV chưa nhiều. Mặc dù thống kê cho thấy người có sản lượng tuyệt đối cao nhất đạt tới 63 bài trong gần 10 năm qua nhưng sản lượng bình quân chỉ đạt 3,6 bài.

Đồ họa trực quan về các nhóm nghiên cứu KHXH-NV của Việt Nam.

Bên cạnh đó, người có số bài giữ vài trò chủ đạo (là tác giả chính, tác giả liên lạc) cao nhất là 60, nhưng bình quân toàn mẫu dữ liệu chỉ là 1,77 bài.

Một nhận định khác của nhóm nghiên cứu từ phân tích dữ liệu cũng rất đáng chú ý là: Người có sản lượng tuyệt đối cao nhưng không đồng nghĩa với việc có đóng góp nhiều trong mỗi bài viết. Nhiều trường hợp sản lượng tuyệt đối cao nhưng điểm quy đổi về điểm đóng góp có thể thấp hơn tới 4 lần.

Không phải "sói cô đơn", cũng không phải "sói đầu đàn"

Cũng từ dữ liệu có được, nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích mối liên hệ giữa các tác giả nghiên cứu dựa trên quan hệ đồng tác giả của các công bố khoa học của họ.

Kết quả phân tích cho thấy, nghiên cứu KHXH-NV Việt Nam không có nhiều những "con sói đơn độc" cũng như những "con sói đầu đàn".

Theo nhóm nghiên cứu, có tới 307 trên tổng số 421 nhà nghiên cứu (chiếm tới 75%) số tác giả KHXH-NV được tìm thấy chưa từng có công bố do một mình mình đứng tên.

Số tác giả có 5 bài viết do mình đứng tên đầu, đóng góp chính trong vòng 10 năm qua cũng khá khiêm tốn, chỉ có 9 người, chiếm chưa tới 10%.

Ngoài ra, chỉ có khoảng 232 tác giả, chiếm khoảng 56%, có ít nhất 1 công bố do họ là tác giả chủ đạo trong vòng 10 năm qua.

Ông Vương Quân Hoàng, trưởng nhóm nghiên cứu trình bày tại hội thảo. Ảnh: Lê Văn.

Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp phân tích lưới thống kê, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra có khoảng 20 nhóm nghiên cứu được định hình khá rõ trong các lĩnh vực KHXH-NV hiện nay tại Việt Nam.

"Số lượng này là quá ít ỏi khi chúng ta có tới gần 300 trường ĐH và hàng trăm viện nghiên cứu" - ông Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nhận định trong bài phát biểu tại hội thảo.

Ông Hoàng cũng đưa ra 2 nhận định: Thứ nhất, số lượng công bố quốc tế trong các lĩnh vực KHXH-NV sẽ tăng lên trong thời gian tới, mức tăng không chỉ là 15% như dự báo mà có thể lên tới 25%. Tuy nhiên, sự dịch chuyển của các tác giả giữa các nhóm cũng tăng lên theo mức tăng này.

Theo ông Hoàng, sau những kết quả mang tính "sơ khai", nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đánh giá và phân tích sâu cho các phân ngành hẹp hơn của KHXH-NV cũng như các ngành khác của KHTN. Dự kiến, cuối năm nay, nhóm sẽ có một báo cáo tổng quan về công bố quốc tế của KHXH-NV của Việt Nam.

Với những kết quả ban đầu, nhóm nghiên cứu đã công bố 3 bài báo quốc tế trên các ấn phẩm thuộc danh mục Scopus và một bài báo đăng tải trên tạp chí khoa học trong nước.