Đó là chủ đề cuộc hội thảo đã diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành Quy Nhơn (ICISE) trong hai ngày 9-10/5/2018 với sự tham dự khoảng 150 khách quốc tế và Việt Nam.

Trong đó có hai nhà khoa học giải Nobel, nhà vật lý học Gerard ‘t Hooft từ Hà Lan, và nhà kinh tế Finn Kydland từ Na Uy.Hội nghị nhận được sự bảo trợ của Bộ KH&CN và các tổ chức quốc tế.

Trong bài phát biểu chào mừng trước khi khai mạc phiên toàn thể, GS Trần Thanh Vân nói: “Đối với Trung tâm ICISE, chúng tôi ở khởi điểm của một cuộc hành trình “mạo hiểm”: xây dựng một mạng lưới hợp tác và trao đổi khoa học giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt với các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi hết sức cần sự giúp đỡ của các bạn để làm cho Trung tâm này trở thành một địa điểm mà ở đó các nhà khoa học trẻ có thể có cơ hội học hỏi và chia sẻ với những người lớn tuổi hơn những ý tưởng và phương pháp mới để làm cho tri thức của thế giới chúng ta được thêm sâu sắc”.

GS Trần Thanh Vân và một số nhà khoa học tại hội nghị.

Sau phiên toàn thể sáng ngày 9/5, hội nghị đã có nhiều buổi thảo luận bàn tròn đề cập tới nhiều nhiệm vụ và ảnh hưởng của khoa học, như tác động của khoa học lên kinh tế và xã hội; khoa học phục vụ hoạch định chính sách; các mô hình khoa học và phát triển; khoa học, như nhà ngoại giao và môi giới thúc đẩy đối thoại cho hợp tác và hòa bình; khoa học và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khoa học, lĩnh vực đưa ra những cảnh báo và cung ứng giải pháp và một cuộc hội thảo về vai trò vô cùng quan trọng của khoa học đối với sự phát triển bền vững, một đề tài nằm trong lộ trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được Liên Hiệp Quốc thông qua cuối năm 2015 với mục tiêu bảo đảm sự phồn vinh và thỏa mãn cuộc sống của con người trong sự tiến bộ và hài hòa với tự nhiên; nỗ lực thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng, không kỳ thị, không có sợ hãi và bạo lực; thực hiện những điều trên thông qua tinh thần đối tác toàn cầu dựa trên sự đoàn kết, chú ý đến những khó khăn của những quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, sự khác biệt giàu nghèo, phát triển hay chậm phát triển được phản ảnh trong sự khác biệt trong sự phát triển khoa học ở tầm mức quốc gia, và bất bình đẳng thu nhập giữa các nước có nguyên nhân từ thể chế của nước đó, nhưng trong đó đặc biệt chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ.

Giáo sư Kydland, giải Nobel kinh tế năm 2004 nói.“Khi một quốc gia không có các thể chế cam kết các chính sách tốt cho khoa học công nghệ”, theo GS, “thì khó để tác động trong ngắn hạn cho sự phát triển, thậm chí có thể gây tác động xấu cho xã hội”. Ông đưa ra công thức phát triển GDPt = Zt F(Kt, Lt) cho thấy, ngoài vốn (Kt) và lao động (Lt) thì tăng trưởng của GDP phụ thuộc tuyến tính vào yếu tố khoa học công nghệ (Zt). Các hoạt động kinh tế tư nhân sẽ làm gia tăng Zt. Chính phủ phải làm gì? Cần có cam kết và chính sách.Chính sách càng ổn định, càng có tác dụng tốt lên phát triển. Khoa học, công nghệ không tự nhiên chảy từ các quốc gia giàu có sang các quốc gia nghèo khó.

Thông điệp của ông: đầu tư cho giáo dục, cam kết nghiên cứu khoa học để phát triển. Còn GS Gerard ‘t Hooft lý giải rằng sở dĩ châu Âu dẫn đầu về sự phát triển là vì người dân “có óc tò mò hơn, có nhiều phát minh hơn,quan trọng hơn là họ có tự do, tự do thể hiện quan điểm, tự do sáng tạo”. Họ có nền giáo dục tốt, và biết gắn kết tri thức với sản xuất. Hà Lan, đất nước nhỏ với khoảng 7 triệu dân đầu thế kỷ 20, vậy mà đã giành được 5 giải Nobel trong vòng 2 thập kỷ. Vì sao? Vì nước ông có nền giáo dục tốt, từ cuộc cải cách giáo dục 1863, thực học được thực hiện hơn là cái học từ chương, Hà Lan đã “hội nhập” bằng những ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức.

Nhà vật lý vĩ đại Hendrik Lorentz từng trao đổi với Einstein thành thạo bằng tiếng Đức. Giáo dục có tính khai phóng, tôn trọng ý kiến cá nhân. Hà Lan là quốc gia thương mại toàn cầu, tiếp xúc nhiều luồng tư tưởng từ các dân tộc khác nhau, nên khoan dung là thái độ rất hợp lẽ. [Hà Lan là từng là một quốc gia khoan dung rất sớm. Đại học đầu tiên, và lớn nhất của đất nước là Đại học Leiden, được thành lập năm 1575 bởi William I, Vương tước xứ Orange, người lãnh đạo cuộc nổi loạn chống lại sự thống trị của Tây Ban Nha. Ông quan niệm đại học là nguồn lực tri thức cho quốc gia, giống như vai trò của Đại học nghiên cứu Berlin hơn 200 năm sau. Đại học là nguyên khí. Đại học Leiden có thái độ khoan dung với nhiều học giả “dị giáo”, trong đó có Descartes và Spinoza.]

GS ‘t Hooft cho biết, vai trò của khoa học vô cùng lớn lao, vô cùng mạnh mẽ, để đẩy lùi lạc hậu. Hãy tôn trọng những nhà khoa học. “Chúng ta không thể cho phép mình tin tưởng mà không có cơ sở khoa học”. Khoa học phải tham gia vào tất cả các quá trình lập chính sách.

Khoa học còn là “người môi giới cho hòa bình và phát triển” không biên giới. Lịch sử của trung tâm hạt nhân châu Âu CERN là một thí dụ điển hình. Được thành lập năm 1954 giúp các dân tộc từng gây chiến tranh ngồi lại với nhau và chung sức phát triển. Khám phá nổi tiếng nhất của CERN là Hạt Higgs năm 2012. Không những các nhà khoa học châu Âu, mà ngày càng có nhiều nhà khoa học từ Mỹ đến tham gia nghiên cứu. Đó là ý kiến của ông Herwig Schopper, nguyên Tổng giám đốc CERN. Theo ông, Việt Nam nên thành lập một cơ quan khoa học tương tự như thế trong vùng để hợp tác cùng phát triển và củng cố tinh thần hòa bình và thịnh vượng chung.

Phát biểu tại hội thảo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đều có chung một nhận định là sau hơn 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng lực đẩy cho sự phát triển là lao động giá rẻ và tài nguyên đều đang dần cạn kiệt. Vì thế, việc phát triển khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam

Những cuộc Gặp gỡ Việt Nam tại trung tâm ICISE ở Quy Nhơn không chỉ có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel mà còn nhiều nhà khoa học tên tuổi khác đến thăm Việt Nam và sẳn sàng trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học, các đại học, viện nghiên cứu. Đây là nhịp cầu vô cùng thuận lợi, có tính “chiến lược” có thể góp phần giúp bức tranh khoa học Việt Nam thay đổi nhanh chóng.