Sáng 9.1, tại Hà Nội, hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 đã được bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức.

Hội nghị có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Trung ương Đảng, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Uỷ viên Trung ương Đảng, bộ trưởng bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương; địa phương...

Những con số biết nói

Trong phần báo cáo tổng kết, thứ trưởng bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã nêu nhiều kết quả nổi bật ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2017. Theo đó, trong năm 2017, bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Xếp hàng GII các nước Đông Nam Á. Nguồn: Global Innovation Index

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hoạt động KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, doanh nghiệp. Trong công nghiệp, đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4%.

Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 12 bậc (từ 59/128 lên 47/127 nước và nền kinh tế), đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, bộ KH&CN dẫn đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. 91% nhóm sản phẩm, hàng hoá do bộ KH&CN quản lý, tương ứng với 96% lô sản phẩm, hàng hoá tại khâu thông quan được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn một ngày. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tập trung hoàn thiện. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được triển khai với trọng tâm là hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, triển khai các nhiệm vụ trong năm APEC 2017.

Trong năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm; 30 cơ sở ươm tạo (BI); 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), góp phần thúc đẩy số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, gần gấp đôi số lượng năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư đã tăng đáng kể...

Bám sát chỉ đạo, tiếp tục hành trình

Phát biểu tại hội nghị, bộ trưởng bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định với sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, bộ KH&CN sẽ nỗ lực triển khai nhiệm vụ KH&CN trong năm 2018 một cách quyết liệt nhất. Trước mắt, tập trung ngay vào xử lý tiếp năm tồn tại và hạn chế mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra tại hội nghị; đồng thời bám sát nội dung bốn trụ cột, ba đột phá và năm lưu ý của Thủ tướng, để xây dựng kế hoạch hành động của bộ KH&CN trong năm 2018.

Bộ trưởng bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo: các bộ, ngành phối hợp với bộ KH&CN đề xuất phương án trao quyền tự chủ và vốn, tài sản để tổ chức KH&CN công lập thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; xây dựng chính sách để tổ chức KH&CN công lập được quyền sở hữu và có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý đối với kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình ứng dụng và thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, hiệp hội phối hợp phân bổ kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp KH&CN bảo đảm đúng mục đích, đầu tư tới ngưỡng để triển khai nhiệm vụ.

Để thúc đẩy việc sáng tạo, đổi mới công nghệ, theo bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cần đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn của quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ Phát triển KH&CN quốc gia. Đưa việc đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác của cuộc CMCN 4.0 vào đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên; bổ sung một số chỉ số về đổi mới sáng tạo và chỉ số về năng lực cạnh tranh vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để có nguồn thông tin đầy đủ, chính xác phục vụ việc theo dõi, đánh giá; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc CMCN 4.0; rà soát các chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện từ nay đến năm 2020 và năm 2025.