Sáng 11/07, Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6) với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống” chính thức được khai mạc và kéo dài đến hết ngày 15/7.

Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Chương trình Trung tâm ASEAN+3 về tài năng khoa học (ACGS) tổ chức nhằm phát huy năng khiếu và khuyến khích sự đam mê sáng tạo KH&CN, ươm mầm các nhà khoa học và kỹ sư tài năng trong tương lai. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

APTJSO-6 có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, lãnh đạo Chương trình ACGS ASEAN và điều phối viên của Trung tâm ACGS Hàn Quốc. Các nhóm học sinh, giáo viên và quan sát viên từ các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển,...

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc sự kiện.

Tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: "Năng lượng tái tạo ngày càng có vai trò quan trọng giúp đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và được sử dụng nhằm thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu".

"Mục tiêu của hội trại là khuyến khích sự say mê sáng tạo, tạo sân chơi cho các bạn học sinh thể hiện khả năng của mình trong hoạt động KH&CN, tạo cơ hội giao lưu giữa học sinh. Đồng thời, thông qua các hoạt động của hội trại sẽ góp phần tạo động lực cho các bạn học sinh lựa chọn theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai", Thứ trưởng Khánh cho biết.

 Các em thiếu niên đến từ nhiều nước chăm chú lắng nghe các bài trình bày tại buổi khai mạc
Các em thiếu niên đến từ nhiều nước tại buổi khai mạc.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng trưởng nhanh tại các nước ASEAN. Dự báo nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng hơn 80% trong giai đoạn đến năm 2035. Do đó, khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo có ý nghĩa chiến lược trong việc giải quyết nguồn năng lượng thiếu hụt của chúng ta.

Tại Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu chiến lược là kết hợp phát triển năng lượng tái tạo với triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo.

Tại APTJSO-6, các bạn học sinh sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và trình bày dự án thông qua các poster, kỹ năng trong phòng thí nghiệm, trình bày nhóm đề xuất dự án, xoay quanh chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”. Đây là cơ hội để các bạn học sinh nhiều quốc gia cùng phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc nhóm, phát triển ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cùng bạn bè thông qua các hoạt động thực tiễn liên quan đến phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Nhóm sinh viên nước ngoài giới thiệu sản phẩm khoa học của mình.

Những phần trình bày xuất sắc nhất sẽ nhận được Huy chương Vàng, Bạc và Đồng từ Ban Tổ chức. Đồng thời, tất cả các học sinh tham dự chương trình đều nhận được chứng chỉ từ APTJSO. Ngoài ra, các giáo viên cũng có các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giáo dục năng khiếu khoa học, tham dự Hội thảo giáo viên về "Thúc đẩy STEM cho học sinh thông qua các ứng dụng năng lượng tái tạo".

Bên lề các hoạt động nghiên cứu khoa học, thanh thiếu niên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, … còn có cơ hội toạ đàm và tham dự các trò chơi giao lưu văn hóa tại Trường Đại học FPT trong khuôn viên Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam...

Được tổ chức thường niên từ năm 2012, APTJSO là hoạt động nổi bật dành cho thanh thiếu niên các nước ASEAN và các đối tác khác, có độ tuổi từ 13 - 15 yêu thích nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ năng tiếng Anh và làm việc nhóm tốt. APTJSO nhằm khuyến khích và phát triển các tài năng trẻ, tạo ra cộng đồng khoa học công nghệ rộng lớn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nước trong khu vực trong tương lai.