Các doanh nghiệp này phần lớn thuộc về ngành công thương và có mức phát thải khí nhà kính tương đương 3.000 tấn CO2/năm hoặc tiêu thụ năng lượng hơn1.000 TOE/năm.

Trong quá trình sản xuất xi măng, khí CO2 được tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: TNMT
Trong quá trình sản xuất xi măng, khí CO2 được tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: TNMT

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để góp phần hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hơn 1.900 doanh nghiệp phát thải nhà kính trên cả nước sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần, kể từ năm 2024.

Các doanh nghiệp này phần lớn thuộc về ngành công thương (87%), còn lại là xây dựng (5,4%), môi trường/xử lý chất thải (4%) và giao thông vận tải (3,6%).

Lộ trình về kiểm kê khí thải nhà kính với các doanh nghiệp đã được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nó cũng vừa được thúc giục lại tại diễn đàn “Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” ngày 14/12 vừa qua.

Theo đó, các doanh nghiệp có mức phát thải khí nhà kính lớn (tương đương 3.000 tấn CO2/năm hoặc tiêu thụ năng lượng hơn 1.000 TOE/năm) phải cung cấp thông tin và kế hoạch kiểm kê khí thải của mình theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023.

Từ năm 2024, các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê và xây dựng các báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ 2 năm/lần.

Phần lớn rác thải hiện nay được xử lý bằng hình thức chôn lấp, tạo ra lượng khí thải nhà kính khổng lồ. Trong ảnh, một bãi chôn lấp rác thải tại TPHCM. Nguồn: SGGP
Phần lớn rác thải hiện nay được xử lý bằng hình thức chôn lấp, tạo ra lượng khí thải nhà kính khổng lồ. Trong ảnh, một bãi chôn lấp rác thải tại TPHCM. Nguồn: SGGP

Báo cáo kiểm kê lần đầu được gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3/2025 để thẩm định; sau đó hoàn thiện kết quả để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1/12/2025.

Trên cơ sở này, chính quyền sẽ phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để tiến hành thực hiện việc cắt giảm phát thải trong giai đoạn 2026-2030 và cho phép các doanh nghiệp mua bán tín chỉ carbon của mình trên thị trường nội địa. Một tín chỉ carbon tương đương với việc giảm 1 tấn CO2. Dự kiến thị trường mua bán tín chỉ carbon nội địa của Việt nam bắt đầu được thử nghiệm vào năm 2027 và chính thức vận hành vào năm 2028.

Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành danh sách các doanh nghiệp cần kiểm kê khí nhà kính - gồm các nhà máy than, dầu, luyện kim, hóa chất, xi măng, chế biến chế tạo, khu xử lý rác, cơ sở chăn nuôi, công ty vận tải, trung tâm thương mại, tòa nhà, khách sạn - theo tỉnh thành và lĩnh vực.

Tại Hội nghị COP27 về Biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Ai Cập, Việt Nam đã nộp Báo cáo đóng góp giảm phát thải do quốc gia tự quyết định (NDC) bản cập nhật.

So với NDC năm 2020, NDC cập nhật năm 2022 đã tăng giảm phát thải không điều kiện của Việt Nam đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5%. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cam kết sẽ tự mình giảm hơn 146 triệu tấn CO2 trong vòng 8 năm tới, và giảm gần 404 triệu tấn CO2 nếu có thêm sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của quốc tế.