Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 vừa khai mạc sáng 15/12 tại Hà Nội với chủ đề "Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu", với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Năm nay, hội thảo tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên ngành: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu.Theo ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 nhận được 700 báo cáo tóm tắt, trong đó có gần 500 báo cáo toàn văn. Hơn 100 học giả quốc tế từ 30 quốc gia đến tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nhiệt tình của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước: “Các nhà khoa học không chỉ có lòng say mê nghiên cứu mà còn có tấm lòng nồng hậu, luôn dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp. Những nghiên cứu, đánh giá, khuyến nghị trong các hội thảo trước đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định, tổ chức, thực hiện các chủ trương, chính sách. Không những thế, đây cũng là cầu nối để thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận, chính xác hơn”.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quốc Anh

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang cần phát triển nhanh nhưng rất chú trọng tới các yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần có những luận cứ khoa học của các nhà nghiên cứu. Đó có thể là vấn đề được nhắc tới từ lâu như việc giao lưu văn hóa trong đối ngoại hay những vấn đề mang tính thời sự như biến đổi khí hậu.

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, ngoài biến đổi khí hậu,chuyển giao tri thức và công nghệ cũng là một chủ đề mới của năm nay. Đây là vấn đề mà Việt Nam đang ưu tiên giải quyết, với các nội dung chính như chuyển giao, nhập khẩu công nghệ, đưa KH&CN trở thành động lực phát triển, sở hữu trí tuệ, các rào cản phát triển của doanh nghiệp KH&CN, chính sách phát triển nguồn lực KH&CN, các công nghệ chiến lược của Việt Nam và hệ thống đổi mới sáng tạo KH&CN quốc gia...

“Mỗi kỳ hội thảo là một cơ hội để gia tăng sự hiểu biết của các nhà nghiên cứu về Việt Nam, cũng là dịp để Việt Nam tự ý thức, tự khám phá sâu hơn về chính mình. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng với các vấn đề thực tiễn và khoa học của Việt Nam, nhất là trong thời điểm nước ta đang phải đối mặt với những thách thức của sự phát triển và hội nhập” - ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Sau hội thảo, kết quả thu được sẽ được tập hợp thành báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ, ngành, góp phần cho việc hoạch định chính sách phát triển quốc gia.