Hội thảo kéo dài 4 ngày với 30 chuyên đề và các buổi thảo luận giữa chuyên gia, diễn giả trong nước, quốc tế.

Hội thảo quốc tế về sở hữu trí tuệ

Từ 28-31/10/2019 sẽ diễn ra hội thảo quốc tế “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các Viện/Trường thành viên trong khuôn khổ Dự án EIE” tại ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” (Dự án EIE) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO quản lý và triển khai tại Việt Nam nhằm trợ giúp các Viện/Trường thành viên (các nan hoa) tham gia Dự án tăng cường năng lực quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ cũng như khả năng thương mại hóa công nghệ.

Thời gian: 04 ngày, từ 28-31/10/2019

Lịch trình: 9h00-17h00 (ngày khai mạc: từ 8h30)

Địa điểm: Phòng Hội thảo C2, Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

Thành phần: Các viện, trường thành viên Dự án EIE; các tổ chức, doanh nghiệp có quan tâm.

Đơn vị tổ chức: Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO); Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP); ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)

Nội dung: Hội thảo sẽ gồm 30 chuyên đề, đan xen với các buổi thảo luận giữa chuyên gia, diễn giả trong nước, quốc tế với một số chủ đề nổi bật như:
    • Môi trường sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước;
    • Hướng dẫn chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ đối với viện trường;
    • Tổ chức và quản trị các văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO);
    • Xây dựng quy trình/hệ thống công bố sáng chế;
    • Các cách thức bảo vệ tài sản trí tuệ;
    • Các chính sách về tài sản trí tuệ và những vấn đề quyền sở hữu, chia sẻ lợi ích, hợp tác với công ty tư nhân;
    • Chiến lược về tài sản trí tuệ;
    • Đánh giá, định giá các phát minh, công nghệ;
    • Tìm hiểu các đối tác thương mại tiềm năng để cấp phép;
    • Phát triển chiến dịch quảng bá công nghệ;
    • Phương thức hợp tác đại học – ngành công nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển.
Mô hình "trục xoay và nan hoa"

Từ năm 2017, Cục sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH&CN) đã bắt tay vào khởi động dự án xây dựng môi trường sở hữu trí tuệ theo mô hình “trục xoay và nan hoa”, trong đó, trục xoay đóng vai trò hỗ trợ và điều phối các nan hoa trong quá trình phát triển công nghệ, xác lập quyền tài sản trí tuệ, cụ thể là bảo hộ sáng chế đối với các công nghệ có tiềm năng và thương mại hóa các sáng chế đó.

Bên ngoài trục xoay và nan hoa sẽ là các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ để khai thác giá trị của các tài sản vô hình trên.

Mô hình trục xoay - nan hoa và các thành tố xung quanh
Mô hình trục xoay - nan hoa và các thành tố xung quanh

Tính đến nay, cùng với trục xoay đóng vai trò hỗ trợ là Cục sở hữu trí tuệ, hệ thống đã sàng lọc và hình thành 10 nan hoa chủ chốt là các viện nghiên cứu, trường đại học quan trọng trong nước, bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (VAST), trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST), ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU), Học viện Quân y (VMMU), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), ĐH Y Dược TP HCM (YDS), …

Các thành viên này được lấy nền tảng từ mạng lưới Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) do WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng trước đó.

Mặc dù các trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam đã tích lũy năng lực và ngày càng có nhiều công bố quốc tế, đặc biệt là các tạp chí ISI danh tiếng, nhưng vấn đề bảo hộ và quản lý các tài sản trí tuệ vẫn còn là điểm nghẽn lớn. Cục sở hữu trí tuệ cho biết đa số đơn đăng ký sáng chế của người Việt hiện do cá nhân, khu vực tư nhân và các chủ thể khác đứng tên.

Việc viện, trường trong nước còn chưa quen với hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ đã khiến quá trình chuyển giao công nghệ, thương mại hóa hay thành lập các công ty spin-off trở nên rất khó khăn. Trong khi đó, tại các trường đại học hàng đầu thế giới, tài sản trí tuệ là công cụ quan trọng giúp các cơ sở giáo dục này tự chủ tài chính và phát triển nghiên cứu khoa học.

Trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO cam kết tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực nội tại của các nan hoa thành viên và thiết lập mạng lưới kết nối các dòng dữ liệu, tài sản trí tuệ và cơ hội đến các bên liên quan.

Hiện nay, các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ thường xuyên được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức, tham khảo website http://www.noip.gov.vn/