Sở KH&CN các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã tích cực, chú trọng ứng dụng KH&CN vào phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng. Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường liên kết để KH&CN trở thành yếu tố động lực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tham gia giải quyết tốt các vấn đề của đời sống, xã hội.

Đó là những vấn đề chủ yếu được thảo luận tại “Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Đông Nam bộ lần thứ XV” Ngày 23/9/2019 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của Vùng giai đoạn 2017 - 2019; kết quả thực hiện các nội dung đề ra tại Hội nghị Giao ban KH&CN Vùng lần thứ XIV năm 2017; những đóng góp của KH&CN trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của Vùng,…qua đó phân tích những hạn chế, khó khăn cũng như thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân và cùng thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban.

Báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, giai đoạn 2017 - 2019, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản quản lý liên quan đến phát triển KH&CN, trong đó có nhiều văn bản trực tiếp tác động đến hoạt động KH&CN của các địa phương như: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập,…

Trên cơ sở đó Sở KH&CN các địa phương đã chủ động tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, HĐND, UBND ban hành những văn bản nhằm cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện. Theo thống kê từ Báo cáo của các Sở KH&CN từ năm 2017-2019 đã có 99 văn bản được các địa phương ban hành, chủ yếu tập trung cụ thể hóa các chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương.

Một số chính sách nổi bật được kỳ vọng là góp phần làm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của KH&CN ở các địa phương như Chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP Hồ Chí Minh, hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp như xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao, xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị. Các địa phương đều có hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phát triển thị trường công nghệ của vùng, của toàn quốc (Techmart, Techdemo, Techfest....). Đến giữa năm 2019, các tỉnh trong Vùng đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho hơn 100 doanh nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ địa phương được triển khai ngày càng bài bản, sát với yêu cầu ứng dụng, nhất là việc đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, nâng cao chất lượng, chú trọng hơn vào tính ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sau khi nghiệm thu. Việc quản lý quản lý nhiệm vụ KH&CN của các tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp, hợp lý và khoa học hơn; công tác xét duyệt, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu, đăng ký kết quả được thực hiện đúng quy định, thu hút được đội ngũ chuyên gia của các viện, trường tại các tỉnh và trong vùng tích cực tư vấn giúp việc triển khai các nhiệm vụ có được cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đã hướng đến đối tượng trọng tâm, ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng và năng lực tham gia thực hiện các đề tài, dự án, vì thế việc triển khai nhân rộng kết quả sau nghiệm thu ngày càng được khẳng định và có hiệu quả.

Tăng cường liên kết vùng trong phát triển KH&CN

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng hoạt động KH&CN của Vùng Đông Nam bộ cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều Giám đốc Sở KH&CN cũng đã thẳng thắn nêu nên những khó khăn trong hoạt động KH&CN tại địa phương liên quan đến phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực KH&CN; cơ chế, chính sách chi cho đầu tư, phát triển KH&CN; quỹ KH&CN địa phương khó đi vào hoạt động do tính pháp lý chưa hoàn thiện, thủ tục cho vay còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn..., dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, thậm chí rủi ro lớn trong việc thu hồi vốn vay. Mặt khác, nhu cầu liên kết vùng đã được đặt ra từ Hội nghị giao ban vùng lần XIV nhưng cho đến nay các hoạt động liên quan đến liên kết Vùng trong công tác quản lý nhà nước, trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, các phòng thí nghiệm về đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm, liên kết vùng trong phát triển chuỗi giá trị của một số sản phẩm chủ lực... của các tổ chức KH&CN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng vẫn chưa được triển khai.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của lãnh đạo các Sở, đồng thời ghi nhận sự vào cuộc của các đơn vị thuộc Bộ trong việc xem xét, xử lý các đề nghị của địa phương. Theo Thứ trưởng, Sở KH&CN các địa phương đã tích cực và có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết trong phát triển KH&CN để KH&CN trở thành yếu tố động lực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tham gia giải quyết tốt các vấn đề của đời sống, xã hội.

Bộ KH&CN mong tiếp tục nhận được các kiến nghị, đề xuất của các địa phương về hoạt động KH&CN, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đây sẽ là những căn cứ, thông tin quan trọng để Bộ KH&CN tổng hợp, nghiên cứu đề xuất phương án nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN tới Đảng và Chính phủ trong thời gian tới.