Các nhà khoa học nữ tại Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực quang tử có thể ứng tuyển học bổng này. Người nhận học bổng sẽ làm việc tại Viện Công nghệ Quang tử Aston.

d
Năm ngoái, Trường Kỹ thuật & Khoa học Vật lý của Đại học Aston đã được trao giải thưởng cấp Athena Swan Gold vì cam kết thúc đẩy sự nghiệp của phụ nữ. Ảnh: Đại học Aston

Theo dữ liệu từ Tổ chức Văn hóa và Giáo dục Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO), chưa đến 30% số nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là phụ nữ và chỉ 30% sinh viên nữ chọn các lĩnh vực liên quan đến STEM trong giáo dục đại học. Tỷ lệ nhà khoa học nữ đặc biệt thấp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (3%); khoa học tự nhiên, toán học, thống kê (5%); và kỹ thuật, sản xuất, xây dựng (8%).

Với mong muốn gia tăng cơ hội làm việc trong lĩnh vực STEM cho phụ nữ, Hội đồng Anh đã phối hợp với Đại học Aston, Birmingham, trao ba suất học bổng để hỗ trợ các nhà khoa học nữ vừa hoàn thành bằng tiến sĩ (hoặc tương đương) và có mong muốn tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực quang tử (photonics - khoa học vật lý và ứng dụng của ánh sáng). Không chỉ Việt Nam, các nhà khoa học nữ tại Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan đều có thể ứng tuyển học bổng này.

Nếu nhận được học bổng, nhà khoa học sẽ làm việc tại Trường Khoa học Vật lý và Kỹ thuật của Đại học Aston, tập trung vào nghiên cứu về quang tử. Học bổng gồm £30.502 (tương đương khoảng 870 triệu đồng) mỗi năm và các phúc lợi tương tự với những nhân sự khác trong Viện. Ngoài ra, nếu có con nhỏ đi kèm, nhà khoa học sẽ được hỗ trợ liên hệ với nhà trẻ trong khuôn viên trường và được nhận hỗ trợ tài chính cho chi phí chăm sóc trẻ.

“Đây là một cơ hội thú vị dành cho các nhà khoa học nữ mong muốn trải nghiệm nghiên cứu tại một trường đại học hoặc tổ chức nghiên cứu của Vương quốc Anh, biến công trình tiến sĩ của họ thành các ấn phẩm hoặc kết quả khác, đồng thời xây dựng các mối quan hệ học thuật mới", Giám đốc Viện Công nghệ Quang tử Aston (AITP), Giáo sư Sergei Turitsyn, nhận định. “Chúng tôi đang tìm kiếm những ứng viên quan tâm đến các khía cạnh trong lĩnh vực quang tử như quang tử nano, công nghệ quang tử cho ngành thực phẩm và học máy trong cảm biến môi trường. AITP có điểm mạnh về laser y tế và cảm biến sinh học cho chăm sóc sức khỏe, công nghệ truyền thông quang học tốc độ cao làm nền tảng cho internet và nền kinh tế kỹ thuật số.”

Hạn chót nộp đơn là thứ Tư, ngày 31/5/2023.

Có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây.