Đây là đúc rút của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khi nói về ý nghĩa của học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) trong bài phát biểu nhân sự kiện Ngày hội STEM - Hành tinh tương lai diễn ra ngày 14/5.

Năm nay là năm thứ 3 Ngày hội STEM được Liên minh STEM phối hợp với Tạp chí Tia sáng (Bộ KH&CN) tổ chức. Ngày hội năm nay thu hút được sự tham gia của đông đảo học sinh mọi lứa tuổi từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, cũng như sự tham gia của rất nhiều phụ huynh, thầy cô giáo từ các trường không chỉ trong địa bàn Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận.

Các em học sinh trường THCS Trưng Vương, Hà Nội đang trình diễn máy in 3D. Ảnh: Loan Lê

Tham gia ngày hội STEM, các em học sinh, phụ huynh và thầy cô được tận mắt chứng kiến những sản phẩm STEM của học sinh nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Các sản phẩm này thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem. Chẳng hạn, trường liên cấp Olympia đem đến một dàn nhạc bằng củ, quả; trường trung học phổ thông Tạ Quang Bửu mang tới máy in 3D, máy khoan, mô hình giao thông thông minh..., trường Trung học cơ sở Trưng Vương mang tới rất nhiều thí nghiệm thú vị như các ly nước đổi màu, núi lửa phun trào...

Các em học sinh đang hào hứng xem thí nghiệm thả bóng, hoa hồng... vào nito lỏng.

Bên cạnh việc quan sát, học sinh có thể trực tiếp tham gia vào các thí nghiệm như tạo điện từ nước muối, giấm, củ khoai tây; lắp ráp mô hình robot thông minh, gấp giấy origami, xếp hình bằng que gỗ...hay được tìm hiểu sơ qua về cách lập trình ra những trò chơi cơ bản. Bạn Phương Thảo, học sinh lớp 6 trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Hà Đông cho biết: "Đây là lần đầu tiên em được tìm hiểu về lập trình và thực sự thấy thích thú. Sau ngày hôm nay, em sẽ tìm nơi để học môn này".

Các em đang thực hành tạo ra điện từ thức ăn.

Với sự tham gia của trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại họcViệt Pháp), các em học sinh, phụ huynh còn có cơ hội được tham quan phòng thí nghiệm trường đại học, được xem những thí nghiệm có mức độ khó cao hơn trong các phòng thí nghiệm này.

Đây cũng là lần đầu tiên các nhà tổ chức đưa vào hình thức chia sẻ kiến thức cộng đồng, với những bài giảng về các vấn đề vô cùng thực tiễn như hiện tượng béo phì, công nghệ nano, hay vai trò của giáo dục STEM trong cách mạng công nghiệp 4.0...

Phát biểu khai mạc Ngày hội STEM 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nói: "STEM để học sinh có sự kết nối giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và làm điều gì đó thực sự thực tiễn, biết làm từ hiểu biết chứ không học chỉ để hiểu biết".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Ngày hội STEM.

Chia sẻ về những việc đã làm được và dự định tương lai, tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ phổ thông trung học cho biết: "Nhiều năm qua, đặc biệt là năm qua, Bộ GD đã đưa tinh thần giáo dục STEM vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học, đặc biệt là chỉ đạo nhiều hoạt động giáo dục tích hợp, liên môn, các hoạt động nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ khoa học cũng như phối hợp Hội đồng Anh để tổ chức thí điểm mô hình giáo dục ở nhiều tỉnh, thành phố, phối hợp với nhiều đơn vị triển khai hoạt động giáo dục STEM. Như vậy tinh thần giáo dục STEM đã có trong ngành giáo dục và đang có những bước phát triển. Hiện nay, Bộ Giáo dục đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, tinh thần STEM cũng đc quán triệt để STEM đi vào giáo dục sâu hơn.


Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Phổ thông trung học.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhà trường thầy cô, phụ huynh học sinh về giáo dục STEM. Ngoài ra, Bộ sẽ chỉ đạo trường sư phạm, phổ thông trang bị kiến thức để đội ngũ giáo viên để dạy học tích hợp theo tinh thần mới. Cuối cùng là huy động nguồn lực nhà nước, địa phương, xã hội để xã hội hóa hoạt động STEM".

Nói về vai trò của ngày hội STEM trong việc phát triển phong trào STEM ở Việt Nam, tiến sĩ Đặng Văn Sơn - Trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM - cho biết: "Tuy mới chỉ là năm thứ 3 tổ chức nhưng chúng tôi đã thấy có sự khác biệt. Thứ nhất là từ ngày hội STEM này, đã có khá nhiều ngày hội STEM do chính các trường tổ chức. Như vậy phong trào STEM đã có sự phát triển nhân rộng. Về chất lượng, năm nay Ngày hội STEM có sự đồng hành của trường đại học, họ đã mở cửa phòng thí nghiệm cho học sinh. Đây là mục tiêu đầu tiên tôi đặt ra khi nói về hệ sinh thái STEM".

Với tư cách một giáo viên, cô Trần Thị Thu Hà, trường THCS Trưng Vương cho rằng: "Ngày hội STEM tạo động lực cho học sinh tiếp tục duy trì đam mê với STEM. Ở đây, các em có cơ hội thể hiện những gì mình đã làm được về STEM. Ngoài ra, Ngày hội còn thể hiện sự trưởng thành của học sinh khi các em tự sắp xếp kế hoạch trưng bày triển lãm. Hơn nữa, Ngày hội STEM khiến STEM trở nên đại trà, nó không phải dành cho học sinh xuất sắc mà dành cho cả học sinh đam mê".