Sau 2 năm không tăng học phí, năm học 2023-2024, nhiều trường đại học đã quyết định tăng khoảng 10%-15% để cân đối thu chi.

Sinh viên đóng học phí tại một trường đại học ở TP HCM .
Sinh viên đóng học phí tại một trường đại học ở TP HCM .

Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ GD&ĐT, cho biết, theo Nghị định 81, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hằng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022 - giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua 3 năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023.

Ông Thịnh nhận xét việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm. Với các trường đại học công lập, nguồn thu học phí chiếm trên 80% tổng nguồn thu của trường. Vì thế, nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cụ thể, theo Nghị định 81, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 14,1 - 27,6 triệu đồng/năm học (mức thu cũ là 9,8 đến 14,3 triệu đồng). Với các trường đại học bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên, khoảng 28,2 - 55,2 triệu đồng. Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 70,5 - 138 triệu đồng/năm học.