Trong báo cáo về tính khả thi của dự án phóng vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, các chuyên gia JICA đã tính toán, hai vệ tinh này sẽ góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam trong việc giảm thiệt hại bởi thiên tai.


Thông tin từ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho hay, dự án phóng vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 đã hoàn thành một số giai đoạn đầu tiên, trong đó có báo cáo về tính khả thi của dự án. Theo đó, các chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tính toán, hai vệ tinh sẽ tham gia vào quá trình cung cấp dữ liệu để xử lý, đưa ra các tính toán, góp phần giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai tương đương với 150 triệu USD tại Việt Nam/ năm. Trong khi đó, tổng trị giá để hoàn thành dự án vào khoảng 600 triệu USD chi phí cho vệ tinh và các trạm vận hành mặt đất, hai vệ tinh dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 8 năm kể từ khi được phóng lên quỹ đạo.

Hình ảnh tên lửa đẩy chuẩn bị phóng vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam vào quỹ đạo vào năm 2013 - ảnh: ESA
Hình ảnh tên lửa đẩy chuẩn bị phóng vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam vào quỹ đạo vào năm 2013 - ảnh: ESA

Mới đây, theo thông báo từ NASA (Hoa Kỳ), cơ quan này sẽ sử dụng vệ tinh Landsat, Terra và Aqua để ghi lại hình ảnh các vùng trồng cây lương thực tại một số nước, trong đó có vùng An Giang – Việt Nam và và cung cấp các dữ liệu đã qua xử lý để giúp đỡ cho việc làm nông của An Giang.

Trao đổi với ICTnews về thông tin của NASA, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết, việc sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám thu nhận từ vệ tinh được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông lâm nghiệp. Sáng kiến GEOGLAM (Group on Earth Observations’ Global Agricultural Monitoring initiative) được hình thành nhằm cung cấp thông tin sản xuất nông nghiệp sử dụng dữ liệu quan sát trái đất từ vệ tinh. Ở khu vực châu Á, Asia-RiCE (Asian Rice Crop Estimation & Monitoring) là một thành phần của GEOGLAM với những hoạt động nhằm mục đích giám sát mùa vụ lúa thông qua việc sử dụng dữ liệu viễn thám, đặc biệt là dữ liệu ảnh viễn thám radar (rất ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết).

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Địa lý Tài nguyên TP.HCM và Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là thành viên của Asia-RiCE. Nhiều đề tài dự án đã và đang được thực hiện sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám radar từ các vệ tinh khác nhau trong nghiên cứu giám sát lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Sentinel-1, RADARSAT-2, ALOS-2, Cosmo-SkyMed, TerraSAR-X…trong thời gian tới Việt Nam sẽ có hai vệ tinh viễn thám radar LOTUSat-1 và LOTUSat-2 thì đây là nguồn cung cấp dữ liệu thường xuyên và ổn định cho hệ thống giám sát lúa quốc gia.

Ông Nguyễn Trường Thanh, phụ trách Phòng Quản lý Tổng hợp của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia dẫn tài liệu từ Trung Tâm đã ghi nhận, Việt Nam đã có 4 vệ tinh được phóng lên không gian và hoạt động thành công:

Vệ tinh viễn thông VINASAT-1 (phóng năm 2008) và VINASAT-2 (phóng năm 2012). Cả hai vệ tinh đều đang hoạt đông trên quĩ đạo và được quản lý và khai thác bởi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam được phóng năm 2013. Hiện nay, vệ tinh vẫn đang hoạt động và được quản lý bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất hoạt động thành công trên quĩ đạo được phóng vào tháng 11/2013. Vệ tinh này do các cán bộ trẻ thuộc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển. Sau 3 tháng hoạt động, vệ tinh đã hoàn thành nhiệm vụ và bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển như dự định.

Năm 2012, vệ tinh F-1 do Phòng nghiên cứu không gian FSpace, thuộc Trường Đại học FPT phát triển, đã được phóng lên quỹ đạo bởi tên lửa đẩy của Nhật Bản. Tuy nhiên, vệ tinh F-1 đã không thể truyền tín hiệu về trái đất. Một chuyên gia ngành vệ tinh cho hay: “theo quan điểm của chúng tôi, việc vệ tinh đã phóng mà không truyền tín hiệu về trạm mặt đất là một thất bại, vệ tinh này có lẽ cũng chỉ tồn tại trên quỹ đạo được từ 3 – 5 tháng, trước khi bị rơi xuống thấp và bốc cháy”.

Trước đó, sáng 12/1/2016, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT đã ký thỏa thuận hợp tác liên quan đến việc nghiên cứu và chuẩn bị phóng lên quỹ đạo một số vệ tinh viễn thám quan sát trái đất như VNREDSat-2, LOTUSat-1 và 2 vào khoảng thời gian dự tính là năm 2019.