Vào ngày 11 và 12/10, tại Hà Nội diễn ra hai hội thảo quy tụ nhiều bên tham gia để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và nêu sáng kiến cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

1. Ngày 11/10 - Hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”

08h30 – 12h00, Khách sạn Super Hotel Candle, Số 287-301 Đội Cấn, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Ô nhiễm không khí Hà Nội

Hội thảo nhằm thông tin đầy đủ cho các đơn vị truyền thông và người dân để hiểu đúng về diễn biến ô nhiễm không khí trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để các bên liên quan nắm được nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác cải thiện chất lượng không khí của TP Hà Nội.

Hội thảo do Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức.

2. Ngày 12/10 -Tọa đàm: "Paris - Hà Nội: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí?"

14h00 - 16h00,Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp - 24 Tràng Tiền, Hà Nội

ọa đàm: "Paris - Hà Nội: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí?"

Buổi tọa đàm là nơi gặp gỡ giữa hai câu chuyện về 2 thành phố tại hai châu lục xa cách - Paris và Hà Nội. Những vấn đề ô nhiễm không khí và nỗ lực thay đổi của thành phố Paris trong 20 năm qua sẽ được trao đổi cùng với những câu chuyện về ô nhiễm hiện tại của Hà Nội.

Đây cũng là dịp hai thành phố chia sẻ sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc khắc phục ô nhiễm không khí, đồng thời trao đổi kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe cũng như các giải pháp mà mỗi cá nhân có thể thực hiện.

Tọa đàm được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng đối tác truyền thông Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.


Ngày 2/10/2019, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Hà Nội, TP HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí “không để người dân kêu ca mà không đề ra giải pháp hữu hiệu”.

Từ trước tới nay, các tổ chức tại Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức phi chính phủ như Live&Learn, GIZ,...) đã và đang thực hiện một số giải pháp: Lắp đặt thêm các trạm cảm biến quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; Hạn chế đốt rơm rạ; Xây dựng các đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; Xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo; Các chương trình truyền thông - giáo dục tại trường học - cộng đồng nhằm giúp công chúng hiểu rõ về chất lượng không khí và các hành động cần thiết, .v.v.

Vậy chúng ta - những người dân làm thế nào để hiểu và chủ động tham gia vào công tác bảo vệ bầu không khí chung của Hà Nội?