Theo lộ trình được Hà Nội đặt ra, thành phố này sẽ xóa bỏ 70% bếp than tổ ong, năm 2019 xử lý cơ bản và duy trì mô hình này vào năm 2020 cũng như các năm tiếp theo.

Thông tin này được bà Lương Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng quản lý dự án và truyền thông – Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội đưa ra.

Theo bà Thủy, việc người dân quan tâm tới chất lượng không khí hằng ngày tạo ra một sức ép vô cùng lớn với những người làm quản lý môi trường như bà. Và thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian tới.

Bếp than tổ ong là một  trong những nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Bếp than tổ ong là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Cụ thể, nếu như trước năm 2016, dù có một vài chương trình được vạch ra nhưng sau đó lại mất hút thì đến nay, lãnh đạo thành phố như Bí thư Hoàng Trung Hải, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã đưa ra nhiều chỉ đạo cũng như cam kết.

Bà Thủy cho biết: “Hành động đầu tiên phải kế đến là cam kết sẽ trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn thành phố của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Sau đó, Hà Nội cũng cam kết đến năm 2020 sẽ lắp đặt 80 trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nâng chỉ tiêu lên thành 100 trạm quan trắc để tạo ra một mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn”.

Sau 1 năm thực hiện, đến nay Hà Nội đã trồng được 430 nghìn cây xanh và con số vẫn đang tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, 10 trạm quan trắc cũng đã được lắp đặt với 8 trạm sensor (cảm biến) và 2 trạm cố định. Con số này sẽ tăng lên 30 vào năm 2018.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng, thực tế, các con số không quá quan trọng, điều cần quan tâm là việc thực thi chính sách và sử dụng mạng lưới quan trắc như thế nào. Để khắc phục điều này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan phát triển của Pháp và được các chuyên gia tư vấn đề vị trí đặt trạm quan trắc cũng như xây dựng mạng lưới.

Chúng tôi có một trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu hiện đại với các chuyên gia đến từ Pháp, Đức và các sinh viên giỏi đến từ các trường đại học. Tại đây, các chuyên gia sẽ đào tạo cho sinh viên cách thu thập, quản lý, điều hành các trạm quan trắc cũng như phân tích số liệu” – bà Thủy chia sẻ về hoạt động của các trạm quan trắc.

Hiện nay, trung tâm này mới dừng lại ở các báo cáo đơn giản và cung cấp thông tin cho một số tổ chức nghiên cứu. Việc đưa ra mô hình công bố số liệu quan trắc mạng lưới không khí Hà Nội hiện vẫn đang được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phân tích cân nhắc.

Một giải pháp khác cũng đang được Hà Nội quyết tâm triển khai bằng việc đưa vào các kế hoạch và nghị quyết lớn của thành phố. Đó là việc xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong.

Bà Thủy đưa ra số liệu do Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội điều tra cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 55 nghìn bếp than tổ ong. Trong đó, 63% tập trung ở quận nội thành do có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng. Theo cách tính chung, mỗi ngày HN đun khoảng hơn 500 tấn than, phát thải khoảng 1870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí.

Điều đáng nói là số lượng bếp tổ ong tập trung tới 63% ở nội thành, do có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng.

Theo kế hoạch, năm 2018, thành phố sẽ xóa bỏ 70% bếp, xử lý cơ bản 100% vào năm 2019 và duy trì mô hình này vào năm 2020. Bên cạnh kế hoạch này, chúng tôi cũng đã phối hợp với một tổ chức của Hà Lan tìm kiếm giải pháp thay thế bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến thân thiện với môi trường” – bà Thủy chia sẻ.

Đáng nói, Hà Nội cũng tính phương án giải quyết xóa sổ bếp than tổ ong tại gốc bằng việc chuyển đổi nghề nghiệp cho các đơn vị bán than và bếp than sang nghề mới là bán bếp và nguyên liệu cho bếp cải tiến.