Ngày 8/11, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo “Giảm rác thiểu rác thải nhựa – Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực hành của các bên liên quan.

Từ năm 2020, TP. Hà Nội sẽ không cấp kinh phí mua sản phẩm nhựa dùng trong các cuộc họp
Từ năm 2020, TP. Hà Nội sẽ không cấp kinh phí mua sản phẩm nhựa dùng trong các cuộc họp

Ô nhiễm trắng là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường, khi chúng ta sử dụng quá nhiều túi nilon mà không xử lý đúng cách dẫn đến tích tụ, gây bóp nghẹt dòng chảy của sông, phá hủy hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học.

Nhiều sinh vật đã bị chết do ăn nhầm nhựa thải. Các hạt vi nhựa trong nước biển được phân rã từ rác thải nhựa có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, chúng sẽ theo chuỗi thức ăn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.

Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 - 8%. Trên cả nước, lượng chất thải nhựa và túi ni lông chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Chỉ cần khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon đó không được tái chế thì một năm đã có khoảng 2,5 triệu tấn nhựa là gánh nặng cho môi trường, có khả năng dẫn tới thảm họa ô nhiễm trắng.

"Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay, cam kết mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các tỉnh thành và các thành phố trong khu vực để giảm thiểu vấn nạn này", ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhấn mạnh.

Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến nỗ lực không ngừng nghỉ của các cá nhân, tổ chức trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Ngày 4/6/2019, hơn 41 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế ở Việt Nam đã thông qua "Quy tắc Ứng xử", khuyến khích các bên liên quan cam kết thực hiện và chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

Trong năm 2019, không ít cơ quan, bộ ngành, địa phương (trong đó có Hà Nội) đã lần lượt ban hành quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nước, cốc giấy, thìa nhựa...

Một số trường học từ cấp 1 đến đại học cũng đều có hoạt động tăng cường nhận thức về rác thải nhựa và chuyển đổi sang các dụng cụ dùng nhiều lần như cốc thủy tinh, bình đựng nước.

Các doanh nghiệp với cam kết trách nhiệm xã hội đã bắt đầu thực hành quản lý và hạn chế rác thải nhựa. Nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia ở Việt Nam đã kiểm toán tác động môi trường của mình.

Bên cạnh đó, xuất hiện những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thay thế để hạn chế rác thải trong tiêu dùng và thực phẩm sạch không chất độc hại.

Tất cả đã góp phần truyền đi thông điệp tốt đẹp và giúp việc giảm rác thải nhựa trở nên gần gũi hơn, có thể thực hành mỗi ngày.

Với nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức hội thảo “Giảm rác thiểu rác thải nhựa – Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” vào ngày 8/11, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quản lý quốc tế cũng như những thực hành của các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, và cá nhân đang có tại địa phương.

Chính quyền thành phố sẽ đưa ra bức tranh chung về hiện trạng, công tác thu gom và xử lý rác thải ở Hà Nội, những hạn chế và thách thức đối với chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng. Thông tin chi tiết xem tại đây.