Theo GS-TSKH Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Hà Nội cần tuyên truyền để thấy học từ sách khoa học là con đường nhanh nhất.

Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển bên hành lang Quốc hội, GS-TSKH Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Hà Nội khẳng định: "Trước hết phải nói tư duy về khoa học công nghệ hiện nay trong xã hội đang chưa thấy được sự quan trọng, dù rằng khoa học và công nghệ được Đảng, Nhà nước ghi trong các nghị quyết là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự phát triển. Cũng vì nhận thức như thế nên việc đầu tư đưa khoa học vào thực tiễn chưa đúng.Thứ hai, bản thân các nhà khoa học khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang - vì không được xã hội chấp nhận, chưa có những ứng dụng lớn nên họ cũng không cần".
GS-TSKH Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Hà Nội.
GS-TSKH Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Hà Nội.

GS An giải thích thêm: "Câu chuyện ở đây là tại sao sách khoa học không được chú ý, sách khoa học chưa được đề cao? Về mặt chủ quan phải thấy, có nhiều đầu sách chỉ mang tính chất tham khảo, hàm lượng nghiên cứu không cao, chất lượng sách kém. Mặt khác cũng phải thấy rõ một thực tế, khi công nghệ thông tin bùng nổ thì tất cả các dữ liệu được lưu trữ trên Internet. Nếu như ngày trước những kiến thức hay, bổ ích được người ta “gối đầu giường” thì bây giờ không cần nữa, vì có thể tra cứu trên mạng dễ dàng".

"Căn cứ vào thực tế này để thấy rằng, những người làm sách khoa học phải nghiên cứu lại để đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn về nội dung và hình thức; địa điểm cung cấp, cần có quầy riêng để khi vào hiệu sách người ta nhìn thấy là bị thu hút luôn" - đại biểu Quốc hội Bùi Thị An chia sẻ với những người làm sách khoa học.

Về các đề xuất để phát triển sách khoa học, đại biểu Bùi Thị An nêu gợi ý: "Cũng phải nói tới chuyện cơ chế hỗ trợ trong xuất bản. Cái này chỉ là một phần, quan trọng hơn phải là tuyên truyền để mọi người thấy ý nghĩa của những kiến thức đã được tổng kết từ sách vở. Học từ sách khoa học là con đường nhanh nhất và tiết kiệm thời gian.

Nếu như Nhà nước có sự hỗ trợ để các nhà sách bày tủ sách khoa học cho đẹp hơn thì chắc chắn sẽ thu hút được người mua. Đối với sách đặc biệt thì nên hỗ trợ như vậy.

Tôi nghĩ rằng Bộ KH&CN cần nghiên cứu đề xuất, xây dựng cơ chế để thúc đẩy đối với loại hình sách này. Đây cũng là cách gián tiếp tạo sự khích lệ đối với những người làm sách khoa học khi loại hình sách này được quan tâm bằng cơ chế, chính sách của nhà nước. Khi sách bán chạy sẽ có tác dụng ngược lại đối với những người làm sách, họ sẽ có thu nhập cao hơn và có nhiều cảm hứng trong quá trình tìm tòi, dịch và viết sách khoa học hơn. Khi đó thị trường sách sẽ ngày càng phong phú".