Hội thảo do Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức nhằm thảo luận những chính sách kinh tế, thương mại, y tế, biến đổi khí hậu, năng lượng của quốc gia và khu vực trong giai đoạn bình thường mới.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của con người và tác động không nhỏ tới sự phát triển của KH-CN và việc hoạch định chính sách phát triển của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều nước coi đây là động lực để xem xét lại chiến lược quốc gia, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra tăng trưởng trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" và có cơ hội thay đổi việc triển khai KH&CN một cách hợp lý.

Trong bối cảnh này, Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức Hội thảo khoa học VANJ 2020 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ trong bình thường mới”, dành cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Cơ quan đồng tổ chức là Trung tâm Mạng lưới Nghiên cứu Spintronics (CSRN) thuộc Đại học Tokyo, một trong bốn trung tâm nghiên cứu về Spintronics lớn nhất Nhật Bản.

Với sự có mặt của hơn 60 diễn giả khách mời đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ, Úc, Kazakhstan..., hội thảo sẽ chia sẻ, cập nhật những tiến bộ trong KH&CN, những hoạt động nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thảo luận những chính sách kinh tế, thương mại, y tế, biến đổi khí hậu, năng lượng của quốc gia và khu vực trong giai đoạn bình thường mới.

Hội thảo có 1 phiên toàn thể và 12 phiên chuyên đề được tổ chức trong suốt hai ngày 28 và 29/11 trên nền tảng Zoom và Slack. Đặc biệt, năm nay, GS Takaaki Kajita, người được giải Nobel Vật lý năm 2015 sẽ có một bài trình bày trong phiên thảo luận toàn thể.

Giải Nobel Vật lý năm 2015 được trao cho GS Takaaki Kajita (Nhật) và GS Arthur B. McDonald (Canada) vì những đóng góp quan trọng của hai ông trong việc chứng minh rằng các hạt neutrino có định dạng, điều này cũng có nghĩa là những hạt này có khối lượng. | Ảnh: Universitat de València, 2018
Giải Nobel Vật lý năm 2015 được trao cho GS Takaaki Kajita (người Nhật) và GS Arthur B. McDonald (người Canada) vì những đóng góp quan trọng của hai ông trong việc chứng minh rằng các hạt neutrino có khối lượng| Ảnh: Universitat de València, 2018

Các chuyên đề được thảo luận trong hội thảo bao gồm:

1: Vật liệu nano mới nổi
2: Hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) và IoT
3: Mạch tích hợp lớn (VLSI) và ứng dụng
4: Học sâu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP)
5: Robot thân mềm
6: Đại dịch COVID-19 và những tác động của nó đối với môi trường và tiến bộ toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs)
7.1: Những tiến bộ gần đây trong Y sinh: Từ cơ chế bệnh tật đến chiến lược điều trị
7.2: Sức khỏe cộng đồng
8: Vai trò và ứng dụng của bộ chuyển đổi điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và xe điện trong lưới điện có ngưỡng thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo cao
9: Chính sách, Chiến lược Kinh tế và Kinh doanh
10: Kết nối mạng học thuật Việt Nam
11: Hạt cơ bản Neutrino
12: Hệ thống phân phối thuốc

Thông tin đăng ký hội thảo xem tại đây.