Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước đây, chúng ta nói về xóa mù về công nghệ thông tin còn bây giờ là xóa mù AI. Sắp tới, theo ông, AI cần được đưa vào giảng dạy trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.

Sáng 23/9, Ngày hội trí tuệ nhân tạo quốc gia AI4VN với chủ đề “AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai” đã diễn ra phiên chính.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, bằng việc lắng nghe những chủ đề liên quan tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của cuộc sống và những gợi ý, đề xuất từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu tại AI4VN, các cơ quan quản lý sẽ xác định được đường hướng thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhanh chóng một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo bền vững tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, sự kiện này tạo ra kết nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính phủ để "từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới".

Đại diện FPT giới thiệu sản phẩm với Phó thủ tưởng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Nguồn: BTC

Về vị thế của ngành AI ở Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng dẫn báo cáo Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo do Tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc tế của Canada thực hiện, cho thấy, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 62 trong 160 quốc gia được xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho AI, tăng 14 bậc so với năm 2020 và đứng thứ 6 ở ASEAN.

Trong khi đó, ông Bùi Hải Hưng - Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI dẫn báo cáo Global AI Research Ranking 2022 [doThundermark Capital thực hiện] cho biết, Việt Nam xếp thứ 26 trên toàn cầu về năng lực nghiên cứu AI, vượt qua cả UAE, và là một trong hai quốc gia Đông Nam Á góp mặt trong bảng xếp hạng này.

Ông Hưng cũng khẳng định, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không chỉ phù hợp với những quốc gia phát triển mà còn cả những nước đang phát triển.

Nhận định này tương đồng với số liệu của IBM do ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, trích dẫn, cho thấy 35% doanh nghiệp trên toàn cầu báo cáo AI đã giúp họ tăng doanh thu tối thiểu 5%. Theo ông Việt, nhờ có AI, doanh nghiệp hiểu khách hàng hơn, sẵn sàng phục vụ 24/7, tự động tư vấn cho khách hàng mọi lúc mọi nơi với chi phí và nguồn lực tối ưu.

Đánh giá cao những kết quả ứng dụng AI đã đạt được trong thời gian qua, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn nữa bởi nguồn nhân lực AI của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của các viện nghiên cứu cũng như các công ty công nghệ trong và ngoài nước.

“Khi nói về AI, những bạn trẻ đi du học hay làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều dễ dàng hiểu nhưng không phải tất cả người Việt Nam đều hiểu về công nghệ này. Vì vậy, cần lan tỏa khái niệm, sự hiểu biết về AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác” – Phó Thủ tướng gửi gắm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. Nguồn: BTC

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác. Ông nói: "Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về công nghệ thông tin thì giờ là xóa mù AI. Sắp tới AI sẽ cần được đưa vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm”.

AI4VN đầu tiên diễn ra vào năm 2018. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).

Trong khuôn khổ của sự kiện AI4VN 2022, Ban tổ chức còn công bố danh sách top 5 đội thi Tech Matching được Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tặng 5 gói hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm các hỗ trợ về không gian làm việc trong 6 tháng, hỗ trợ kết nối các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, kết nối các hoạt động ươm tạo và tăng tốc do NIC cùng đối tác thực hiện:

1. Tầm soát bệnh lý Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr

2. CyberPurify Egg

3. Phần mềm camera AI giám sát thông minh

4. Skin Detective: Ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo phát hiện các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu

5. VnBEyes - Ứng dụng di động hỗ trợ người khiếm thị chủ động tiếp cận thông tin trực tuyến và tài liệu