Sau một thời gian chỉ diễn ra trực tuyến vì COVID-19, giờ đây các chương trình giáo dục STEM đã gần như trở lại hoàn toàn, nếu không muốn nói là sôi động hơn thời điểm trước khi dịch bệnh xảy đến.

f
Các em học sinh Trường tiểu học-THCS-THPT Hoa Sen làm quen với các dụng cụ, thiết bị, nguyên vật liệu để chuẩn bị thiết kế, tổ chức gian hàng khoa học cho ngày hội STEM chuyên đề “Sức khoẻ và môi trường học đường". Ảnh: Fanpage STEM Hoa Sen

Là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM thuộc trường Đại học Sư phạm, TS Nguyễn Thị Thu Trang (Khoa Hoá học, Đại học Sư phạm TPHCM) thường xuyên tham gia tổ chức hoạt động và đào tạo về giáo dục STEM cho các trường ở khu vực phía Nam trong vài năm trở lại đây. “Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến các hoạt động STEM trực tiếp chuyển sang trực tuyến, và những hoạt động chưa chuyển được thì tạm thời phải dừng lại”, chị chia sẻ trong bài trình bày của mình tại hội thảo trong khuôn khổ “Ngày hội STEM 2022 - Vượt lên biến động" diễn ra cuối tuần trước.

Dẫu vậy, TS. Trang nhận thấy sở, ban, ngành, trường học, mạng lưới giáo viên và học sinh, tổ chức giáo dục ở khu vực phía Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Chẳng hạn, trong suốt thời gian đại dịch, Sở KH&CN TPHCM vẫn nỗ lực tổ chức các hoạt động như “Cuộc thi ứng dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào thiết kế các sản phẩm phòng chống dịch COVID-19”, “Sáng tạo STEM - tạo máy trợ thở”, “Cuộc thi thiết kế bài giảng STEM”.

Trong khi đó, các giáo viên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tự thành lập Cộng đồng giáo viên sáng tạo Mekong (MIE Mekong) gồm những những người có mong muốn sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý trong giáo dục. Cộng đồng MIE Mekong đã thảo luận vô cùng sôi nổi về kinh nghiệm sử dụng công nghệ để giảng dạy STEM trực tuyến hiệu quả trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Thậm chí, đều đặn hằng tuần, các thầy cô lại tổ chức những buổi seminar trực tuyến như “Thực tiễn triển khai ứng dụng STEM ở trường trung học", “Ứng dụng micro:bit trong dạy học STEM” v.v. để giáo viên ở các tỉnh thành đều có thể theo dõi, cải thiện kỹ năng của mình.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, các đơn vị trường học cũng tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian giãn cách. Chẳng hạn, CLB STEM Hoa Sen (Trường tiểu họcTH - THCS -THPT Hoa Sen, TPHCM), PTNK STEAM Club (Trường Phổ thông Năng khiếu, TPHCM), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) thường xuyên tổ chức rất nhiều hoạt động STEM trực tuyến cho cộng đồng.

Để các trường học ở các vùng sâu vùng xa cũng có cơ hội tiếp cận giáo dục STEM, trong năm 2021, khi dịch bệnh đang căng thẳng, tổ chức Teach For Viet Nam đã hợp tác với Mitsubishi Electric Việt Nam tài trợ cho 3 trường THCS tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, xây dựng không gian sáng tạo STEM tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường (E-STEM) và vườn rau 4.0. Bên cạnh đó, Teach for Viet Nam cũng tổ chức hai chương trình tập huấn về giáo dục STEM cho giáo viên ở TrườngTHCS thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) và Trường THCS An Thới (Bến Tre). “Tuy nhiên, vì tình hình dịch quá phức tạp nên các chuyên gia phải tập huấn trực tuyến hoàn toàn ở Tây Ninh và nửa trực tuyến - nửa trực tiếp ở Bến Tre", TS Trang chia sẻ - chị cũng là một trong số các chuyên gia tham gia công tác tập huấn trong giai đoạn vừa rồi

Trở lại hơn xưa

h
Học sinh được tham dự và thực hành ngay tại chỗ và hoàn toàn miễn phí tất cả hoạt động tại Ngày hội STEM DAY 2022 như Triển lãm STEM, Lớp học STEM, các cuộc thi sáng tạo, Sân chơi khoa học, Tập huấn STEM… Sự kiệndo Sở KH&CN TPHCM tổ chức vào ngày 15/5 vừa qua. Ảnh:Sở KH&CN TP.HCM

Sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Sở KH&CN TPHCM đã liên tục tổ chức rất nhiều hoạt động lan toả giáo dục STEM như “Hội thảo năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”, “Cuộc thi lắp ráp và lập trình robot dành cho học sinh". Đặc biệt, mới đây, Sở đã tổ chức “Ngày hội Khoa học - STEM day” vào ngày 15/5. Tại đây, học sinh được tham dự và thực hành ngay tại chỗ và hoàn toàn miễn phí. Các thao tác lắp ráp mô hình robot, tư duy lập trình cho trẻ em… được các thầy cô hướng dẫn tận tình. “Trong thời gian tới, Sở sẽ còn rất nhiều hoạt động nối tiếp", TS Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ đầy hào hứng.

Đáng chú ý, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, các học sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu đã lên kế hoạch ra mắt Cuộc thi Khoa họcPTNK. Vòng chung kết là chặng đua cuối của 10 đề tài. “Tại vòng chung kết năm đầu tiên, cuộc thi có sự góp mặt của các đề tài thuộc đa dạng lĩnh vực và chuyên ngành như tâm lý học, khoa học máy tính, công nghệ sinh học, hóa học… với chất lượng chuyên môn cao, bắt kịp các xu hướng nghiên cứu về thế hệ genZ, trí tuệ nhân tạo, thích ứng với đại dịch COVID-19…”, các em học sinh chia sẻ trên Fanpage PTNK STEAM Club.

h
Các em học sinh tại gian hàng và poster của mình trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật PTNK 2021-2022. Cuộc thi năm nay tổ chức từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 để chọn ra các đề tài xuất sắc tham dự cuộc thi KHKT cấp Quốc gia tại Quảng Ninh. Ảnh:Fanpage PTNK STEAM Club

Bản thân Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM do TS Trang đứng đầu cũng đã khởi động trở lại những seminar tập huấn về giáo dục STEM; và phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố để tổ chức cho học sinh tham quan phòng thí nghiệm ở khoa Vật Lý, khoa Hoá học thuộc Đại học Sư phạm TPHCM.

Cũng tại hội thảo, ThS Phan Trọng Hải, giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành, Bến Tre), tâm sự rằng dịch bệnh thực sự đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của trường, “COVID-19 kéo đến đúng vào thời điểm các chương trình STEM bắt đầu đi vào chiều sâu". Các giáo viên trong trường vẫn nỗ lực thực hiện các bài dạy ứng dụng STEM trực tuyến, “và đến ngày 12/5 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công Ngày hội STEM".

ThS Hải cho rằng, dù phong trào giáo dục STEM đã trở lại vô cùng sôi động hậu COVID-19, nhưng nhà trường vẫn còn một hành trình đài phải đi trong thời gian tới như, bởi công tác đào tạo giáo viên STEM vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, điều kiện vật chất còn thiếu, nhiều giáo viên không quan tâm và cũng không muốn đưa tiếp cận STEM vào tiết dạy v.v. - anh kết luận.