Việt Nam có tới 4 bốn đội vào đến Vòng tứ kết của một trong hai bảng thi đấu tại Giải Vô địch Tranh biện châu Á “Vietnam UADC 2019” nhưng chưa chạm được vào chiến thắng chung cuộc.

Niềm vui của đội giành chiến thắng đến từ Phillipine| Ảnh: Trường quốc tế, ĐHQGHN
Niềm vui của đội giành chiến thắng đến từ Phillipines| Ảnh: Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội

Sống lâu có phải là điều tốt - đó là nội dung tranh biện tại vòng chung kết Bảng mở rộng Giải Vô địch Tranh biện châu Á “Vietnam UADC 2019” diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua, 30/6.

Vòng thi diễn ra giữa hai đội IBADU 1 đến từ Đại học Dhaka, Bangladesh trong vai ủng hộ và đội ATENEO 2 thuộc Đại học Ateneo de Manila, Phillippines trong vai phản đối. Các diễn giả của mỗi đội đã sử dụng nhiều lý lẽ, luận điểm liên quan đến hạnh phúc của con người, sức khỏe, gia đình, văn hóa, khả năng lao động, biến đổi khí hậu… để bảo vệ cho ý kiến của mình. Sau gần 1 giờ thi đấu, chiến thắng chung cuộc thuộc về đội ATENEO 2 của Phillipines.

Trước đó, ngày 29/6, vòng chung kết bảng EFL dành cho các thí sinh nói tiếng Anh như ngoại ngữ, cũng diễn ra giữa hai đội của Indonesia là đội BINUS 1 thuộc Đại học Binus và đội PCU 1 thuộc Đại học Công giáo Parahyanga với chủ đề Các quốc gia đa văn hóa nên chủ động áp đặt một bản sắc dân tộc duy nhất, (ví dụ: lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ...). Đội BINUS 1 đã giành chiến thắng.

UADC là cuộc thi tranh biện thường niên lớn nhất ở Châu Á dành cho sinh viên đại học, áp dụng theo luật tranh biện của Nghị viện Châu Á [AP], bao gồm 2 bảng đấu là Bảng EFL và Bảng mở rộng. Năm 2019 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức giải này và thu hút được 365 thí sinh thuộc 62 đội đến từ 47 trường đại học của 16 nước trong khu vực.

Các đội thi đấu tại mỗi bảng theo thể thức vòng tròn và tính điểm. Các đội trải qua vòng loại, tứ kết, bán kết và hai đội cao điểm nhất sẽ vào chung kết ở mỗi bảng. UADC tôn vinh cả đội Vô địch và Á quân, đồng thời ghi nhận Top 10 những cá nhân suất sắc nhất trong vai trò diễn giả và giám khảo.

Mỗi đội tham gia thi tranh biện gồm 3 người. Chủ đề của từng cặp đấu sẽ được công bố 15 phút trước khi bắt đầu, việc phân vai ủng hộ/phản đối ở mỗi chủ đề là ngẫu nhiên. Các đội sẽ có 4 lượt trình bày ý kiến và luận điểm của mình, mỗi lượt gồm 7 phút nói và 4 phút phản hồi. Đội đối thủ có thể đưa ra các câu hỏi nhưng người trình bày cũng có quyền từ chối nhận câu hỏi. (Xem: Chi tiết nội dung các vòng đấu UADC 2019, [1], [2])

Trong bảng EFL năm nay, Việt Nam lần đầu tiên có tới 4 đội vào Vòng tứ kết. Đây là một bất ngờ lớn bởi từ trước đến nay không mấy khi các đội Việt Nam tiến sâu vào các giải tranh biện quốc tế. So với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt những nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức hoặc như ngôn ngữ thứ 2, cộng đồng tranh biện Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và chưa cọ xát nhiều.

Theo dõi vòng chung kết UADC 2019 ngày 30/6, Nguyễn Thị Minh Thảo, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, em mới tham gia một CLB tranh biện cuối năm ngoái nhưng đến tháng 1 năm nay, em đã bắt đầu tiến đến các giải đấu tiền lựa chọn cho UADC 2019. Thảo nghe nói đến tranh biện từ khi học lớp 7, được truyền cảm hứng qua những chương trình truyền hình như Trường Teen trên VTV7, và nhận thấy đây là “hoạt động rất thú vị về trí óc”.

“Mặc dù nghe Tiếng Anh không được tường tận hết các chi tiết hai đội thi đấu nói, nhưng điều lớn nhất em thấy có thể học hỏi là phong cách trình bày của các bạn, cách họ nói cũng như đưa ra các quan điểm rất rõ ràng mạch lạc. Họ sử dụng ngôn từ trôi chảy và những ý tưởng đưa ra hoàn toàn không bị rập khuôn”, Thảo bình luận.

Nguyễn Viết Duy, một học sinh khác cùng trường với Thảo, tỏ ra thích thú với phong cách của nhà vô địch bảng mở rộng ATENEO 2 vì “Họ rất lịch sự và bình tĩnh khi đối phó với các ý kiến, trong khi đội đối thủ IBADU 1 luôn tỏ ra hiếu chiến và công kích (aggressive) giống phần lớn các bạn tranh biện Việt Nam hiện nay”. Duy cho rằng đây là một trong những tính cách mà tranh biện Việt Nam cần học hỏi nhóm thắng cuộc Philippines.