Phần lớn các cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay do có đóng góp trong nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 được tổ chức vào sáng nay ngày 15/10, nhân dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam. Được thành lập từ năm 2002, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam là một trong những giải thưởng thường niên lớn nhất dành riêng cho phụ nữ tại Việt Nam.

Năm nay Giải thưởng được trao cho 6 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực.

“Còn rất nhiều vấn đề thách thức đang đặt ra cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến gia đình, phụ nữ và trẻ em”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nói tại buổi lễ. “Hôm nay chúng ta tôn vinh 6 tập thể và 10 cá nhân tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019, các chị là đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam, hàng trăm nghìn tập thể lao động nữ xuất sắc trong các lĩnh vực”.

6 tập thể nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019:

Tập thể nữ viên chức và người lao động Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Tập thể nữ viên chức và người lao động Bệnh viện phụ sản Cần Thơ
Tập thể nữ công chức viên chức và người lao động Trường ĐHKHXHNV, ĐHQG HCM
Tập thể công chức viên chức và người lao động Trường mầm non Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh
Tập thể cán bộ Hội viên phụ nữ huyện Yên Bình, tỉnh Thanh Hóa
Tập thể nữ Hợp tác xã chè Tân Hương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Phần lớn giải cá nhân (7/10 giải) đã được trao dựa trên các đóng góp trong nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến quy trình, kỹ thuật hoặc phát triển sản phẩm dựa trên khoa học công nghệ.

7 Giải thưởng này được trao cho:


Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng, thành phố Đà Nẵng, vì nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, nước lau nhà từ xử lý rác hữu cơ và một số thảo dược. Những sản phẩm này an toàn cho người tiêu dùng, vừa góp phần làm giảm thiểu rác thải ra môi trường và đang được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.


Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Tiến, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vì hoạch định chiến lược cho công ty xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000 2005, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà đã có trên 50 loại sản phẩm về trà thảo dược, nước cốt trái cây, rượu vang và thực phẩm bảo vệ sức khỏe và hiện đang hướng đến xây dựng khu du lịch Làng cổ tích ở Đà Lạt.



Thượng tá, TS. Ngô Thị Lan, Phó chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học, Khoa Hóa-Lý-Kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng vì sáng kiến “Quy trình sản xuất điện cực dương của pin chì dự trữ năng lượng cao”, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Nghiên cứu này giúp tìm ra quy trình, nguyên lý hoạt động, giúp sửa chữa, thay thế và sẵn sàng phục vụ chế tạo mới bộ nguồn cho một số loại vũ khí quân sự, được áp dụng trong một số đơn vị của quân chủng Hải quân, Phòng không Không quân, góp phần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của các trang bị khí tài quân sự.


Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng Đơn vị Chuyển hóa cơ xương, Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM vì những nghiên cứu đầu tiên về thiếu vitamin D và ảnh hưởng của vitamin D tới loãng xương và lao phổi ở Việt Nam. BS. Lan đã phát hiện ra 3 gen liên quan đến loãng xương ở Việt Nam và có đóng góp trong lĩnh vực viêm khớp, đái tháo đường và béo phì ở VN. Bà là tác giả của 29 công trình trên các tạp chí quốc tế và 17 đề tài nghiên cứu đã báo cáo tại các hội nghị quốc tế.


GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Bích Lộc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội vì triển khai lần đầu mô hình đào tạo giáo viên phổ thông theo mô hình kết nối, góp phần giải quyết tình trạng thiếu - thừa giáo viên do thiếu quy hoạch đào tạo và sử dụng. GS. Lộc là chủ biên và đồng chủ biên 33 sách chuyên khảo, giáo trình, chủ nhiệm 13 đề tài cấp Đại học Quốc gia và hiện đang chủ trì đề tài cấp nhà nước về đổi mới giáo dục.


Bà Trần Thị Tân, nông dân xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh thuận vì sở hữu 3 sáng kiến ứng dụng trong sản xuất muối, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng muối, tạo doanh thu bình quân 1,5 đến 2 tỷ đồng. Bà Hải cũng hỗ trợ vốn các hộ sản xuất do phụ nữ làm chủ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất muối cho người dân địa phương.


Bà Đỗ Thị Doan, công nhân Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch vì 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất lao động và giảm chi phí cho công ty.

3 giải cá nhân khác được trao cho bà Lành Thị Triều, nông dân xã Bảo Quang, huyện Long Khánh tỉnh Đồng Nai, vì những thành tích trong chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Bích Loan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam vì những đóng góp cho nghệ thuật truyền thống; và Trung tá, TS. Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội vì thành tích phát hiện, đấu tranh xử lý nhiều chuyên án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trung tá, TS. Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Thành phố Hà Nội nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019

Bà Lành Thị Triều, nông dân xã Bảo Quang, huyện Long Khánh tỉnh Đồng Nai nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Bích Loan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019

“Chúng ta vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, và phải vươn lên, trước hết là thoát rất nhanh ra khỏi mức thấp, lên mức trung bình rồi trung bình cao và phấn đấu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh phải nhanh, là phải bền vững”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói tại buổi trao giải. “Trong bền vững có rất nhiều hàm ý, trong đó là việc mọi người trong xã hội đều tham gia vào quá trình phát triển và đều được thụ hưởng những thành tựu, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến bình đẳng giới, bình đẳng cơ hội cho những người có điều kiện khó khăn, dễ bị thiệt thòi”.