Giải thưởng năm nay thuộc về một nhà khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tập thể các nhà khoa học nữ ở trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thông tin này đã được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam công bố vào sáng ngày 1/3. Theo đó, cá nhân được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 là GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam; giải tập thể được trao cho Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 4/3, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Mặc dù là cá nhân trẻ tuổi nhất từng được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, GS.TS. Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1974) đã có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, bao gồm 105 công bố khoa học (29 công bố ISI/Scopus, 79 công bố trong nước) và nhiều sản phẩm được chuyển giao và ứng dụng trong nông nghiệp, tiêu biểu như bộ kit chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS), bệnh tai xanh ở lợn; chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi,… GS.TS. Nguyễn Thị Lan cũng nhà khoa học nữ thứ ba ở Học viện Nông nghiệp được trao giải Kovalevskaia, sau PGS.TS. Tạ Thu Cúc (năm 1991) và PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm (năm 2000).

Giải tập thể sẽ được trao cho các nhà khoa học nữ ở bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN với nhiều thành tích đã đạt được trong hai hướng nghiên cứu chính: (1) công nghệ xử lý, tận dụng chất thải và (2) phân tích, đánh giá chất lượng môi trường. Từ hai hướng này, nhiều đề tài, mô hình đã được triển khai ứng dụng như: “xây dựng hệ thống xử lý nước dệt vải nhuộm”, “nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao”, “sử dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước thải”,…

Một điều đặc biệt là trong lễ trao giải năm nay sẽ có phần giao lưu giữa các nhà khoa học nữ với học sinh, sinh viên. Ngoài mục tiêu trao đổi, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, Ban tổ chức kỳ vọng các nhà khoa học nữ sẽ “truyền cảm hứng” cho các thế hệ đàn em tiếp tục kiên trì trên con đường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực khoa học tự nhiên – hiện đang có tỷ lệ nhà khoa học nữ ở mức thấp.