Mới đây, lễ vinh danh và trao giải thưởng KOVA lần thứ 15 đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong 4 hạng mục chính được trao giải có 2 công trình y học ứng dụng (hạng mục kiến tạo) được trao cho 2 tập thể.

Tại lễ vinh danh và trao giải thưởng KOVA lần thứ 15 vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/12, bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam, thành viên Ủy ban giải thưởng, cho biết, trải qua 15 năm, giải thưởng KOVA đã tôn vinh nhiều cá nhân và tập thể khoa học có những công trình khoa học ứng dụng lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm; nhiều tấm gương người tốt, việc tốt và các học sinh sinh viên vượt khó học giỏi.

Trong số 4 hạng mục chính được trao giải thưởng năm nay có 2 công trình y học ứng dụng (hạng mục Kiến tạo) được trao cho 2 tập thể, đó là: “Chương trình xây dựng mạng lưới quản lý Hen và COPD trong cộng đồng trên cả nước để giảm nhập viện do đợt cấp từ năm 2000 đến nay” của Đại học Y dược TPHCM do PGS. TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen Dị ứng Miễn dịch lâm sàng TP.Hồ Chí Minh cùng 22 cộng sự thực hiện; công trình “Khởi phát chuyển dạ bằng bóng đôi Foley cải tiến” của Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM do PGS-TS- BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sản bệnh, cùng tập thể bệnh viện thực hiện.


Giải thưởng KOVA là giải thưởng thường niên do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA kiêm Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam sáng lập vào năm 2002. Từ năm 2012, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA là Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.


Nhóm tác giả bệnh viện Hùng Vương nhận giải thưởng KoVa hạng mục Kiến tạo.
Ảnh: Ngọc Hà

Giúp người bị hen tự kiểm soát bệnh

Năm 2000, PGS-TS Tuyết Lan cùng Đại học Y Dược TPHCM đã thành lập Mạng lưới quản lý hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trong cộng đồng (gọi tắt là mạng lưới ACOCU), giúp bệnh nhân không phải cấp cứu nhập viện vì những đợt kịch phát, nhiều bệnh nhân được cứu sống, không rơi vào đói nghèo, giảm gánh nặng cho xã hội.

Bác sĩ Hạnh Duyên (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) - thành viên nhóm triển khai chương trình, cho biết, chương trình được PGS. TS Lê Thị Tuyết Lan khởi xướng xuất phát từ việc khi thấy nhiều bệnh nhân bị bệnh hen và COPD còn chưa được điều trị theo phác đồ bài bản của quốc tế. Tức là chỉ khi bị lên cơn co thắt, khó thở người bệnh mới đến bệnh viện điều trị cắt cơn. Tuy nhiên đây không phải là cách tốt và nếu không được điều trị để kiểm soát cơn hen, bệnh nhân sẽ mệt và thường xuyên phải vào viện cấp cứu. Nếu điều trị ngừa cơn ổn định, tần suất lên cơn hen sẽ ít hơn và mỗi đợt lên cơn co thắt sẽ nhẹ hơn.

“Khi đó bệnh nhân không phải thường xuyên nhập viện cấp cứu, không nguy hiểm đến tính mạng” – bác sĩ Hạnh Duyên cho biết.

Thấy được thực trạng như vậy, từ chỗ khám bệnh tầm soát ban đầu, PGS-TS Lan đã tập hợp được những người bệnh hen và COPD xây dựng thành mạng lưới để hỗ trợ cho họ bằng cách phân tích về phương pháp điều trị có lợi cho bệnh nhân. Thậm chí bà còn mời cả chuyên gia nước ngoài về cập nhật kiến thức điều trị bệnh, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân mua máy thở hỗ trợ tại các văn phòng của mạng lưới.

“Tham gia mạng lưới, người bệnh ngày càng có nhiều kiến thức và biết cách kiểm soát bệnh của mình hơn. Họ không còn ngại ngùng khi tiếp xúc với cộng đồng và chất lượng cuộc sống người bệnh được nâng lên” – bác sĩ Duyên chia sẻ và cho biết, sau 17 năm thành lập, mạng lưới đã mở rộng ra đến 161 đơn vị ACOCU của 45 tỉnh thành trên cả nước, tổ chức hàng chục lớp Quản lý Hen và COPD cho gần 1.200 bác sỹ, 600 điều dưỡng,... Mô hình cũng đã được giới thiệu rộng rãi cho các nước trong khu vực.


Cải tiến để hỗ trợ thai phụ chuyển dạ

Với công trình “Khởi phát chuyển dạ bằng bóng đôi Foley cải tiến” của Bệnh viện Hùng Vương đã tạo ra một phương pháp mới bằng cách giúp khởi phát chuyển dạ cho thai phụ đạt hiệu quả cao bằng bóng đôi Foley cải tiến với giá thành rẻ hàng chục lần so với phương pháp ngoại (chỉ khoảng 50 nghìn đồng/sản phẩm, so với bóng đôi do Úc sản xuất giá 3 triệu/sản phẩm).

Theo PGS.TS BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, sở dĩ ông nghĩ đến giải pháp này là vì ông gặp rất nhiều trường hợp thai phụ bị quá ngày dự kiến sinh hoặc có bệnh lý thai chết lưu trong tử cung nên không sinh nở được (tại Việt Nam có tới 10%, tương đương 140.000 trường hợp có chỉ định khởi phát chuyển dạ). Khi đó buộc phải tác động để khởi phát chuyển dạ - một dạng kích thích làm cho cổ tử cung mềm ra cộng với cơn co đẩy thai nhi ra ngoài. Vì vậy, nếu không dùng bóng đôi hỗ trợ sinh tự nhiên, các thai phụ sẽ phải can thiệp bằng sinh mổ.

Theo bác sĩ Trang, Việt Nam đã từng áp dụng tất cả các biện pháp để khởi phát chuyển dạ, trong đó việc dùng bóng đơn để nong cổ tử cung nhưng đều gặp trở ngại khi dùng một bóng không thể đặt vào đúng cổ tử cung. Khi đó việc khởi phát chuyển dạ không thành công. Hoặc còn một cách khác là dùng thuốc Pitocin tiêm để tạo cơn co và làm mềm cổ tử cung nhưng khả năng thành công cũng thấp. Trong khi đó, việc dùng bóng đôi đã mang lại hiệu quả thành công 85-90% các ca cần can thiệp khởi phát chuyển dạ.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Y tế công nhận là phương pháp mới trong chuyên ngành Sản khoa, giúp giảm tỷ lệ mổ sinh hiện nay, giải quyết các tình huống đặc biệt như: khởi phát chuyển dạ trên các trường hợp có vết mổ cũ mổ sinh, thai dị tật nặng, thai lưu, sinh non và cả trường hợp quá ngày dự sinh.

Với giải Kiến tạo, nhóm tác giả được vinh danh và tặng thưởng 50 triệu đồng –có giá trị cao nhất trong số bốn hạng mục được trao. Theo bác sĩ Khánh Trang, người làm khoa học ở Việt Nam vốn dành sức lực, tâm huyết lao động sáng tạo chủ yếu phục vụ cho cộng đồng, không mấy chú trọng đến lợi ích kinh tế. Nhưng “việc công trình của mình không chỉ được đưa vào áp dụng trong thực tế mà còn được tặng thưởng đã thực sự khích lệ tinh thần chúng tôi rất nhiều trong công việc”.