Công nghệ blockchain đang góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đứng trước những thách thức và cơ hội lớn đó, Việt Nam cần có những giải pháp nào để ứng dụng công nghệ blockchain một cách bền vững?

Đó là nội dung diễn đàn "Vietnam blockchain summit 2018: Từ công nghệ tới chính sách" được tổ chức sáng 8/6 tại Hà Nội. Diễn đàn do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức.

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WWF), nhiều chuyên gia hàng đầu dự đoán tới năm 2025 có tới 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại Việt Nam, blockchain có thể giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực như dịch vụ logistics, truy xuất nguồn gốc, fintech, bảo hiểm, y tế, hỗ trợ hiệu quả việc triển khai chính phủ điện tử... Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg "Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" nhưng tới nay hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.

Trong báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2018, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực kinh tế, coi đây là một trong những công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018. Ảnh: Đoàn Dung

Trước thực tế đó, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số cho rằng, để công nghệ blockchain phát triển hiệu quả ở Việt Nam các sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain phải gắn với nhu cầu thị trường. Ông Hải dẫn ví dụ: Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm đau xót trước đây là địa phương nào cũng rầm rộ sản xuất theo mô hình GlobalGAP nhưng cuối cùng nhiều địa phương không thành công, vì sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ. "Chính vì thế, các doanh nghiệp cần bàn với nhau để đưa ra những sản phẩm mà thị trường thực sự cần, khi đó sản phẩm từ công nghệ blockchain mới phát triển bền vững và phát triển mạnh" - ông Hải nói.

Đồng tình với ý kiến của Hải, ông Đỗ Văn Long - Giám đốc chiến lược Công ty Infinity Blockchain Labs, cho biết, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt, việc xây dựng thương hiệu gắn liền với niềm tin người tiêu dùng là một điều tất yếu. Blockchain được xem là "chìa khóa" giúp giải quyết hiệu quả bài toán minh bạch hóa thông tin sản phẩm nhờ vào tính năng chống chối bỏ và chống lại sự thay đổi dữ liệu.

"Ngoài những lợi ích mang đến cho người tiêu dùng, blockchain còn làm tăng giá trị mình bạch giữa nông dân và thị trường. Blockchain giúp kiểm tra tình trạng tiêu thụ nông sản và hàng tồn kho một cách dễ dàng, qua đó người nông dân có thể xác minh giá trị thực sự của vụ mùa, dự đoán chính xác nhu cầu của người tiêu dùng trong từng thời điểm cụ thể, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất" - ông Long nói.

Đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn của blockchain với nền kinh tế số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, các chuyên gia đều cho rằng, để ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, đầu tư, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế...

Cũng tại diễn đàn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã ra mắt Chi hội blockchain. Chi hội là nơi quy tụ các thành viên của Hiệp hội cũng như mọi tổ chức, các nhân quan tâm tới nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các hội viên Hiệp hội cũng như các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh trực tuyến.