Ứng dụng học tập miễn phí Zinance được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu giáo dục tài chính của Gen Z không chỉ về tiết kiệm, lên kế hoạch chi tiêu mà còn về các hình thức như tín dụng, bảo hiểm và đầu tư để gia tăng thu nhập.

Các đội thi tại chung kết Finnovation 2022 | Ảnh: BTC
Các đội thi tại chung kết Finnovation 2022 | Ảnh: BTC

Ngày 15/9, tại Đại học Quốc gia TPHCM, 5 dự án fintech nổi bật nhất đã bước vào vòng chung kết Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính Finnovation 2022.

Kết quả, với ý tưởng mới mẻ và tiềm năng đi ra thị trường cao, kết hợp khả năng thuyết trình và trả lời câu hỏi tốt, đội Zinance đã giành chức vô địch. Đây là một giải pháp về giáo dục tài chính, được tạo ra dựa trên mô hình gamification và learn-to-earn (học để nhận quà) nhằm giúp người học có được hiểu biết tài chính toàn diện và trải nghiệm học tập thú vị.

Nền tảng này do Nguyễn Lưu Anh Tuấn (Đại học VinUni) và Đào Đức Thắng (Đại học La Trobe) sáng lập vào năm 2021 khi họ phải đối mặt với những khó khăn của bản thân trong quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là trong và sau thời kỳ Covid-19 bất ổn, và nhận thấy đó là vấn đề chung của nhiều bạn trẻ. Ứng dụng học tập miễn phí Zinance được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu giáo dục tài chính của Gen Z không chỉ về tiết kiệm, lên kế hoạch chi tiêu mà còn về các hình thức như tín dụng, bảo hiểm và đầu tư để gia tăng thu nhập.

Ngôi Á quân thuộc về hai đội WeShare, Mediaverse. Với nền tảng gây quỹ WeShare, khách hàng có thể truy cập Shopee, Tiki,… từ nền tảng này, rồi mua sắm như bình thường, một phần hóa đơn - lên đến 30% - sẽ được trích ra gửi đến tổ chức xã hội mà người dùng chọn. Các thành viên của đội bao gồm: Trương Quốc Đạt, Lê Bá Quý (cựu sinh viên), Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Đại học Kinh Tế TPHCM), Bùi Phương Uyên (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM), Nguyễn Tường Minh (Học viện Ngoại giao).

Còn với nền tảng truyền thông Mediaverse, các doanh nghiệp có thể xây dựng và truyền thông thương hiệu qua nền tảng thực tế ảo metaverse để tăng trải nghiệm và tiếp cận khách hàng. Các thành viên của đội gồm: Tô Kiều Khanh, Nguyễn Minh Tuấn (Đại học VinUni), Trần Hồng Ngọc, Đỗ Thụy Mai Anh (Đại học Văn Lang); Phan Lê Diệu Hiền (cựu sinh viên).

Cùng ở vị trí thứ ba là hai đội Govo và The Faunaverse. Nền tảng gọi vốn Govo do 4 sinh viên Nguyễn Thuận Hòa (Đại học FPT TPHCM); Đào Xuân Nhật Vy, Khương Nguyễn Công Thành (Đại học RMIT); Nguyễn Quốc Đạt (Đại học Tôn Đức Thắng) tạo ra, nhằm cung cấp một cách thức gọi vốn dễ dàng và rút gọn các quy trình để nhanh chóng giải ngân thông qua các hình thức như tiền mã hóa, hợp đồng thông minh và blockchain.

Trong khi đó, The Faunaverse là một thương hiệu thời trang kỹ thuật số phi tập trung. Bằng cách truyền cảm hứng đến người dùng trong “thế giới ảo”, nền tảng này nhắm mục đích thay đổi hành vi của khách hàng, giảm nhu cầu về sản xuất và sử dụng quần áo thực tế. Sản phẩm do Đường Thanh Mai (Đại học Kinh tế Quốc dân) và Ngô Hữu Trường (Đại học Á châu Đài Loan) sáng lập.

Phần thưởng cho ngôi vị quán quân là 50 triệu đồng. Á quân nhận 25 triệu đồng và đội xếp thứ ba nhận 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, các dự án xuất sắc nhất của cuộc thicòn nhận được rất nhiều giải thưởng bằng tiền mặt, hiện vật từ các nhà tài trợ với tổng giá trị gần 400 triệu đồng.

“Tôi thấy rằng, các đội thi dù còn rất trẻ nhưng đã có cái nhìn khá sâu sắc và có tính phát hiện cao về thị trường, đồng thời đã đưa ra được những giải pháp đổi mới sáng tạo có triển vọng” - ông Phạm Hoài Trung (Tổng giám đốc công ty Azibai) chia sẻ trong vai trò là đối tác chiến lược và nhà đầu tư ngồi ghế ban giám khảo của Cuộc thi.

Mặc dù là năm đầu tổ chức nhưng Finnovation 2022 đã thu hút đông đảo ý tưởng khởi nghiệp về tài chính trên khắp cả nước. Phát biểu tại lễ trao giải, Trưởng ban tổ chức - ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN) nhấn mạnh vai trò tiên phong của Cuộc thi, cho rằng Cuộc thi đã “kích hoạt các hoạt động đổi mới sáng tạo mở quốc gia về lĩnh vực tài chính, tài sản”.

Theo ông Quất, dù các đội thi có thể có phần ngây thơ nhưng sự tạo táo bạo của họ là điều mà thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trông đợi.

Ban tổ chức cũng cho biết đã mở Diễn đàn đầu tư ngay trong khuôn khổ vòng chung kết để các đội trong Top 10 có cơ hội giới thiệu dự án của mình và gọi vốn. Kết quả, đã có 8/10 dự án nhận được sự quan tâm, ghi nhận từ các nhà đầu tư để bước vào các vòng làm việc tiếp theo sau Cuộc thi. Ước tính, tổng trị giá của các thỏa thuận vào khoảng 50.000 USD.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng ngành công nghiệp fintech lại là một trường hợp ngoại lệ với sự phát triển vượt bậc. Theo báo cáo của Statista, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2021 đạt gần 13 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên hơn 26 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với sự gia tăng giá trị giao dịch, số người dùng lĩnh vực fintech ở Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm.