Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Theo báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, GDP quý III đã giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.

GDP quý III giảm kỷ lục.
GDP quý III có mức giảm kỷ lục. Ảnh: TCTK

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, GDP vẫn tăng nhưng chỉ ở mức 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân được cho là bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm đến 23,18%.

Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Trong 9 tháng đầu năm, đã có 90,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; trong khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn, giảm 13,6%.

Vài điểm sáng trong bức tranh này là tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8% và nhập khẩu tăng 30,5%.

Cũng theo báo cáo, diễn biến phức tạp của đại dịch trong quý III đã làm cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong số 50,4 triệu người ở độ tuổi lao động của cả nước, tỷ lệ thất nghiệp trong 9 tháng ước tính 2,91% và tỷ lệ thiếu việc làm ước tính 3,04%.

Để đảm bảo an sinh xã hội, đến nay đã có 13,8 nghìn tỷ đồng được chi để hỗ trợ cho gần 17,6 triệu đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Riêng TPHCM đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,8 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.