Một phóng sự điều tra của Hãng tin AP đã gây rúng động dư luận thế giới khi phanh phui một “chợ đen” sầm uất ở Moldova chuyên bán các nguyên liệu hạt nhân, chủ yếu cung cấp cho các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong tiếng ồn ào náo nhiệt tại một hộp đêm độc quyền của những kẻ buôn lậu vũ khí ở Chisinau, Moldova, bọn chúng tiếp cận các khách hàng và làm giá: 2,5 triệu euro cho một lượng phóng xạ cesium đủ để làm ô nhiễm cả một thành phố.

Nguồn cung bí ẩn

Theo AP, những năm gần đây, các băng nhóm tội phạm đã liên tục thực hiện nhiều thương vụ bán vật liệu chế tạo bom hạt nhân tại Moldova - một quốc gia nhỏ tại Đông Âu - cho "các khách hàng" ở Trung Đông. Gần đây nhất, hồi tháng 2/2015, các nhà điều tra hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện một kẻ buôn lậu chào bán phóng xạ cesium nồng độ cao cho tổ chức IS.

du luan the gioi rung dong voi "cho den ban... hat nhan hinh anh 1

Chiếc xe sang của tên trùm buôn lậu Valentin Glossu đỗ trước một hộp đêm độc quyền để thực hiện giao dịch mua bán hạt nhân trước khi hắn ta bị bắt giữ. Ảnh: AP

Một trong những tay buôn lậu có tên là Valentin Grossu tỏ vẻ cảnh giác khi nói rằng, rất khó để xác định “khách hàng” là thật hay giả. Quả đúng vậy, ban đầu, khách hàng là một người cung cấp tin và phải mất 20 cuộc thương lượng để thuyết phục Grossu rằng ông ta là một đại diện đích thực cho IS. Cuối cùng, khi “tiền trao, cháo múc”, Grossu mới té ngửa ra, “khách hàng” là một mật vụ FBI và kết cục của Grossu là bóc lịch trong tù.

Tuy nhiên, sau khi mãn hạn tù, Grossu cũng giống như bao đồng bọn của hắn, quay trở lại hoạt động trong thị trường chợ đen, buôn bán hạt nhân tinh vi và xảo quyệt hơn. Mánh lưới của những tay buôn lậu hạt nhân đã báo hiệu một thị trường chợ đen hạt nhân phát triển mạnh mẽ ở những vùng quê nghèo khó của Đông Âu, đặc biệt ở vùng biên giới Moldova giáp với Romania.

Constantin Malic, một trong những nhà điều tra của Moldova cho biết, rất khó khăn để xác định được đường đi của những kẻ buôn lậu chuyển phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân từ những “cửa hàng khổng lồ” ở Nga đến những khu vực “chợ đen” này.

Malic là một sĩ quan cảnh sát 27 tuổi, lần đầu tiên Malic tiếp cận hồ sơ thị trường “chợ đen” hạt nhân vào năm 2009. Ông nhận nhiệm vụ điều tra tại một khu vực ở thủ đô Chisinau của Moldova.

Tại đây, khi trà trộn và đóng giả là một trong những “khách hàng” đang tìm mua nhiên liệu hạt nhân, một “người đưa tin” là một doanh nhân già đã tiếp cận Malic và cung cấp số liên lạc với lời hứa hẹn sẽ cung cấp các chất phóng xạ cho ông theo đúng như giao kèo.

Không bao lâu sau, “người đưa tin” đã nhận được một đề nghị đơn hàng uranium. Vào khoảng thời gian đó, Chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu một chương trình đào tạo cảnh sát Moldova trong việc chống lại các thị trường chợ đen hạt nhân, một phần của một nỗ lực toàn cầu trị giá nhiều triệu USD. Và trong vụ đầu tiên của cảnh sát Malic, 3 tên buôn lậu đã bị bắt vào tháng 8/2010 sau khi trao đổi các nhiên liệu làm bom bẩn để lấy tiền.

Trong vụ này, nhà chức trách nghi ngờ, nhưng không thể chứng minh được rằng uranium đã đến từ các lò phản ứng tan chảy Chernobyl ở Ukraine.

“Đại tá” giấu mặt

Theo AP, hiện có ít nhất 20 công ty đang hoạt động trên thị trường chợ đen hạt nhân, sẵng sàng cung cấp hàng cho các mối hàng có tham vọng hạt nhân.

Nhà chức trách Mỹ và Moldova trong vòng 5 năm qua đã 4 lần ngăn chặn các băng buôn lậu - tình nghi có mối liên hệ với Nga - đang tìm cách bán nguyên liệu phóng xạ cho các phần tử quá khích ở Trung Đông, trong đó có nhóm IS. Các nhà điều tra Mỹ nhận thấy các tổ chức tội phạm đang lèo lái 1 thị trường nguyên liệu hạt nhân chợ đen ở đất nước Moldova nhỏ bé và nghèo túng. Nhà chức trách Moldova cho rằng do Nga và phương Tây cắt đứt sự hợp tác nên hiện nay càng khó khăn hơn nhiều trong việc nhận biết bọn buôn lậu có tìm cách chuyển nguyên liệu hạt nhân từ kho dự trữ khổng lồ của Nga đi hay không và số lượng bị tuồn ra thị trường chợ đen là bao nhiêu.

Vụ việc nghiêm trọng nhất diễn ra năm 2011, khi một đường dây tội phạm có tổ chức, do một người Nga có biệt danh “Đại tá” cầm đầu, đã tìm cách bán uranium cấp độ vũ khí cho một khách hàng từ Sudan. Viên “Đại tá” này được biết đến với tên gọi Alexandr Agheenco, có cả quốc tịch Nga và Ukraina, nhưng sống ở nước cộng hòa ly khai Moldova.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, lực lượng cảnh sát điều tra thị trường chợ đen hạt nhân ở Moldova đã được đào tạo bài bản hơn trong cả hai vai người mua hàng và kẻ buôn lậu. Họ mặc thường phục và sống ẩn dật ở những nơi hẻo lánh như những “khách hàng” thực thụ. Thậm chí, có nhiều cảnh sát còn đóng giả là người bán hoa quả, người cung cấp thực phẩm… để tiếp cận các đầu mối của đường dây buôn lậu. Khách hàng mua hạt nhân chủ yếu đến từ Trung Đông. Hầu hết các cuộc thoả thuận đều được ghi âm, cho thấy, phần lớn khách hàng đều bày tỏ thái độ căm giận phương Tây và muốn trả thù.

Đối với những cảnh sát nằm vùng như Malic, các cuộc thương lượng hạt nhân đều diễn ra trong tâm trạng căng thẳng và vô cùng nguy hiểm. Malic cho biết, để át đi nỗi sợ hãi, ông thường phải dùng đến vodka trước mỗi cuộc thương lượng với “khách hàng” Trung Đông. Thông thường, các cuộc ngã giá được chốt hạ với mức giá 10gr uranium có giá 320.000 euro (360.000USD). Tuy nhiên sau khi bị bắt giữ những kẻ buôn lậu chỉ phải nhận án tù nhẹ và đã tiếp tục các hoạt động buôn bán bất hợp pháp, điều này cho thấy hoạt động buôn lậu nguyên liệu hạt nhân vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.