“Trong bối cảnh Industry 4.0, ngành du lịch lấy CNTT làm giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh tại Hội thảo về Du lịch thông minh vào sáng nay tại KCN cao Hòa Lạc.

Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam” do Tổng cục Du lịch và Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc chủ trì nhằm thiết lập và duy trì các nhóm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công sang du lịch thông minh tại Việt Nam.

Cái bắt tay giữa du lịch với khu công nghệ cao

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho rằng công nghệ đang không chỉ tạo ra sự thuận tiện mà còn thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng của con người. Mọi người giờ đây có thể tự đặt xe, đặt vé máy bay hay đặt phòng khách sạn với chỉ vài thao tác đơn giản qua chiếc điện thoại.

Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo.

“Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng xác định du lịch là một ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng thành công cơ hội này, ngành du lịch, mà cụ thể là các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số mạnh mẽ”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nói thêm. Ông cũng cho biết, khu Công nghệ cao Hòa Lạc luôn hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo thành công, bao gồm các doanh nghiệp du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự hối hợp và chủ trì tổ chức hội thảo của khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ông nhìn nhận sự kiện này là “hành động kịp thời giúp ngành du lịch thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) hiện nay”. Ông cũng đề cập đến tốc độ tăng trưởng tốt của ngành du lịch và hướng tới mục tiêu do Chính phủ đề ra với ngành là đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. “Ngành du lịch lấy công nghệ thông tin làm giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam, qua đó đạt các mục tiêu tăng trưởng được giao”, ông nói thêm.

Chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Tuấn cũng đề xuất có thể khảo sát để biến nơi này thành một điểm đến du lịch công nghệ tương tự như nhiều nước trong khu vực. Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện được khi cơ sở hạ tầng của khu cơ bản hoàn thiện vào năm 2019, với việc ra mắt các công trình lớn như đài quan sát thiên văn học và khu vui chơi công nghệ cao theo quy hoạch đã được duyệt.


Khai thác dữ liệu để tạo giá trị gia tăng


Các đại biểu tham dự hội thảo đều chia sẻ một thực tế là sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi thị trường du lịch trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng với sự vươn lên của kinh doanh du lịch trực tuyến. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, đơn vị đang sở hữu nhiều sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ thông tin thành công, cho rằng có ba thứ đang tác động đến du lịch: Đó là việc lớn mạnh của các công ty phân phối du lịch trực tuyến (OTA), xu hướng tự động hóa và xu hướng kinh tế chia sẻ. Ông cho biết Thiên Minh đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như Big Data, trí tuệ nhân tạo… để phân tích thói quen của khách hàng để từ đó có thể cá nhân hóa dịch vụ dành cho du khách.

Ông Kiên cũng đề xuất chính phủ tạo ra môi trường bình đẳng về thuế và những rào cản kỹ thuật để có thể hỗ trợ các đại lý du lịch trực tuyến trong nước vốn phải đóng đầy đủ nhiều loại thuế cho đất nước có thể cạnh tranh với các OTA nước ngoài vốn không phải đóng thuế. Ông cũng nhấn mạnh thị trường thay đổi, cách thức marketing của doanh nghiệp cũng phải thay đổi. "Nếu có một đồng cho quảng bá thì nên dành 60% cho quảng bá trực tuyến, thay vì dùng cho các cách thức truyền thống như trước đây”, ông cho biết.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc công ty công nghệ DTT, cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dẫn đến nhu cầu phải cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có du lịch với yêu cầu dịch vụ phải được phục vụ nhanh và tối ưu nhất. Để làm được điều này chúng ta phải hiểu nhu cầu của du khách rõ hơn thông qua các công nghệ như AI, IoT hay Big Data…”. Trong bối cảnh đó, chuyển đối số là điều bắt buộc phải làm nhưng ông Trung phân tích: “thách thức với các doanh nghiệp làm du lịch thông minh là số hóa được quy trình kinh doanh của mình”.

Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam” diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 mới được ban hành đầu năm 2017. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nêu rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hội thảo lần này là một trong những hoạt động nhằm triển khai các Nghị quyết và Chỉ thị nói trên.

Ngoài các tham luận của cơ quan quản lý và các chuyên gia trong phiên toàn thể, hội thảo còn thảo luận hai chuyên đề về các nhóm giải pháp ứng dụng CNTT hướng tới du lịch thông minh cho các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý và điểm đến. Hàng loạt các công ty công nghệ, nhà cung cấp giải pháp cho du lịch thông minh sẽ tham gia thảo luận và trao đổi tại hai chuyên đề này như Vinaphone, DTT, Tripi.vn, AirBnb, AntBuddy, Moca, Vinalink, Bizweb, TAB, Verisign…

Thông tin chi tiết về hội thảo tại đây.