Mặc dù có sự chậm trễ trong giai đoạn đầu, dự án FIRST vẫn “về đích” thành công, hầu hết các mục tiêu đề ra đều được hoàn thành vượt mức.

Ngày 14/1, hội nghị tổng kết dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST) đã diễn ra tại Hà Nội.

Dự án FIRST là dự án đầu tiên do Worldbank tài trợ cho hoạt động KH&CN ở Việt Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2013 với ba hợp phần chính: (1) Hỗ trợ cơ sở hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN; (2) Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và tăng cường liên kết doanh nghiệp với KH&CN và đổi mới; (3) Quản lý dự án.

Trong đó, điểm đặc biệt nhất của dự án FIRST là “lần đầu tiên nguồn vốn chính phủ hỗ trợ các đề xuất đổi mới sáng tạo mà lĩnh vực tư nhân tham gia thông qua hình thức hỗ trợ có đối ứng”, như bà Đào Thị Thùy Dung, chuyên gia của Worldbank, đồng chủ nhiệm Dự án FIRST, từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Trung tâm truyền thông của Bộ KH&CN.

Ông Ousman Dione, Giám đốc Worldbank tại Việt Nam phát biểu trong hội nghị. Nguồn: MOST

Song hành với những kỳ vọng là những thách thức trong quá trình triển khai dự án FIRST, đặc biệt là giai đoạn đầu. Từ năm 2013 - 2016, quá trình thực hiện bị chậm trễ, chủ yếu do các thủ tục giải ngân còn phức tạp, chưa xây dựng được cơ chế tài trợ phù hợp trong thời gian đầu,... Tuy nhiên, sự nỗ lực của các bên, cả ban quản lý dự án lẫn các đơn vị nhận tài trợ đã giúp dự án FIRST “về đích” thành công. Đến nay, dự án FIRST đang bước vào giai đoạn đóng dự án, trong khoảng 6 tháng nữa sẽ kết thúc nốt một số tiểu dự án.

Theo đánh giá của ông Ousman Dione, Giám đốc Worldbank tại Việt Nam: “Các thành viên trong dự án rất tích cực, chủ động, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Bộ KH&CN để tìm ra biện pháp giải quyết, từ chỗ rất khó khăn đã đi đến dự án thành công. Những kết quả này có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam”.

Không chỉ hoàn thành các mục tiêu cam kết, thành công của dự án FIRST còn thể hiện qua những con số “vượt so với mục tiêu ban đầu”. Chẳng hạn, có 108 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (tiêu chí ban đầu là 50); chuyển giao 76 quy trình và phương pháp mới từ các chuyên gia quốc tế cho Việt Nam (tiêu chí ban đầu là 15); công bố 105 bài báo quốc tế, trong đó 96/105 bài có tác giả Việt Nam là nữ (tiêu chí ban đầu là 10 bài báo),...

Trong số các mục tiêu đặt ra, chỉ tiêu duy nhất mà án FIRST không đạt được là xây dựng nhóm hợp tác giữa doanh nghiệp với viện trường. Dự án FIRST đã chọn 18 tiểu dự án trong khoản tài trợ đổi mới cho các nhóm nghiên cứu - đổi mới sáng tạo nhưng đến nay, chỉ có 11 tiểu dự án đã nghiệm thu hoàn thành. Theo báo cáo tổng kết, 7 khoản tài trợ còn lại không được thực hiện vì nhiều lý do, bao gồm “thay đổi mức độ ưu tiên của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ, thủ tục hành chính và những khó khăn tài chính không lường trước được”.

Mặc dù “về đánh giá chung, chúng tôi cho rằng dự án FIRST cực kỳ thành công và ấn tượng” song ông Erik Arnold, Chủ tịch công ty tư vấn quốc tế Technopolis Group, nhấn mạnh rằng nếu muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, cần chú trọng hơn vào liên kết giữa viện trường và doanh nghiệp. “Đổi mới sáng tạo liên quan đến kết quả khoa học (Scientific outputs) và thành quả sáng tạo (Creative outputs), bởi vậy cần sự gắn kết của các bên liên quan, nếu không sẽ giống như xây cầu chỉ có một bên”, ông nói.

Khuyến nghị của chuyên gia quốc tế cũng phù hợp với nhu cầu thực tế của rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Năm, Tổng giám đốc công ty cổ phần BCC, một đơn vị tham gia nhóm hợp tác giữa doanh nghiệp và viện trường trong dự án FIRST, cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn có sự kết hợp với các nhà khoa học, nhưng cơ chế kết hợp như thế nào, có dám đầu tư mạnh dạn để đi cùng làm hay không,... tất cả đều rất khó thực hiện. Một điều may mắn là dự án FIRST đã mang lại cho chúng tôi cơ hội này”.

Mặc dù các chỉ số "chưa thực sự hoàn hảo", theo ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án FIRST nhận xét, song những kết quả của dự án FIRST là bài học quan trọng để xây dựng chính sách KH&CN ở Việt Nam. "Việc duy trì những kết quả của dự án rất quan trọng, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục tập trung vào hai hướng: kết nối doanh nghiệp với viện trường và thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài. Trong tương lai, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đưa ra các chính sách KH&CN bền vững, khả thi", ông Ousman Dione cho biết.