Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng vốn chia sẻ với nhau rất nhiều điểm chung về đặc điểm địa hình, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người… nên có tiềm năng để thúc đẩy liên kết vùng trong hoạt động quản lý, nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào đời sống.

Đó là một trọng tâm được quan tâm thảo luận tại Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) lần thứ XII năm 2019, do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức tại TP. Hải Dương.

Hội nghị được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đồng chí Bạch Ngọc Chiến, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, lãnh đạo các Sở KH&CN trong vùng ĐBSH cùng một số Sở KH&CN lân cận.

Toàn cảnh hội nghị giao ban.

Vấn đề xây dựng Chương trình liên kết giữa các Sở KH&CN trong công tác quản lý nhà nước; hình thành và phát triển sản xuất một số sản phẩm chủ lực của vùng; xây dựng và tạo lập tài sản sở hữu trí tuệ các sản phẩm chủ lực của vùng, của địa phương là một trong bốn nội dung chính cần quan tâm đã được đặt ra từ hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSH lần thứ XI tại Ninh Bình năm 2017.

Tại Hội nghị lần này, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN Nguyễn Văn Liễu đánh giá, cho đến nay, các địa phương “đều đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù của tỉnh, của vùng. Đã ưu tiên dành nguồn lực cho việc nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình, tiêu chí về chất lượng trong sản xuất các sản phẩm chủ lực; tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm là đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Tuy nhiên, “việc liên kết giữa các Sở trong hoạt động KH&CN còn khá mờ nhạt, chưa có nội dung cụ thể, chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH&CN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng. Chẳng hạn, hoạt động của hệ thống các Trung tâm ứng dụng, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng của các địa phương trong vùng chưa được kết nối chia sẻ, hầu như đang hoạt động riêng lẻ nên chưa phát huy hiệu quả tối ưu nguồn lực của các trung tâm, nhất là hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư; chưa có được các nhiệm vụ xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ của các sản phẩm có tính liên tỉnh, liên vùng”.

Trong bối cảnh “ĐBSH có nhiều điểm chung chứ không quá đa dạng, thì sẽ có nhiều vấn đề có thể cùng nhau thảo luận, chia sẻ bài học kinh nghiệm”, ông Nguyễn Văn Liễu nói.

Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo UBND và các sở KHCN của vùng ĐBSH quan tâm. Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng cần phải tập trung thảo luận, bởi vì không chỉ ông mà nhiều lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận ra sự thiếu liên kết. “Khi tôi mới được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tỉnh, có một lãnh đạo tỉnh khác đã dặn tôi: anh còn trẻ, anh nên nghiên cứu làm thế nào để liên kết với các tỉnh khác. Vì mỗi tỉnh đang là một ‘nền kinh tế độc lập’ ”, ông Bạch Ngọc Chiến nói. Do vậy, điều cốt lõi là tìm ra các hạt nhân để có thể liên kết được.

Nhưng liên kết như thế nào? Phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu các tỉnh để tổ chức những nghiên cứu lớn phục vụ mục tiêu chung của vùng sẽ là không khả thi, bởi vì không thể phủ nhận rằng năng lực nghiên cứu, nguồn nhân lực của các cơ quan khoa học cấp tỉnh còn hạn chế, theo ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN TP Hải Phòng.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN TP Hải Phòng kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu chung về nhu cầu cung - cầu công nghệ.

“Các viện nghiên cứu lớn mới đủ năng lực nghiên cứu ra các sản phẩm công nghệ hữu ích. Ở địa phương chỉ cùng lắm hoàn thiện được một sản phẩm cụ thể nào đó, một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nào đó, ví dụ như trong nông nghiệp thì hoàn thiện một giống lúa nào đó, hay ứng dụng IoT đơn giản”, ông Tuấn nói.

Do vậy, ông đề xuất, “cùng xác định nhu cầu công nghệ của các địa phương”. Mà để làm được, cán bộ ngành KH&CN từng tỉnh phải tiếp cận người dân, doanh nghiệp để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu công nghệ. Đồng thời, các tỉnh phải có sự kết nối thông tin về nhu cầu cung – cầu công nghệ thông qua các sàn giao dịch, điểm cung cầu công nghệ. “Hôm qua khai trương điểm kết nối cung cầu công nghệ thứ tám trong cả nước tại Hải Phòng thì tôi hi vọng nhiều ở kết nối nguồn thông tin”. “Kết nối các nguồn thông tin về cung cầu quan trọng hơn là hô hào chúng ta cùng làm nghiên cứu này, nghiên cứu kia đi”, ông Tuấn nói. Cơ sở dữ liệu chung về nhu cầu cung – cầu công nghệ này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trong tất cả các tỉnh có thể cùng tra cứu, hỏi đáp, đề nghị hỗ trợ chuyên gia tư vấn, hoặc thậm chí chia sẻ, quảng bá kết quả nghiên cứu mà tỉnh khác đã làm để tránh trùng lắp.

Còn đối với các vấn đề quan trọng, nhận được mối quan tâm chung của nhiều tỉnh hoặc toàn vùng, thì “Bộ giúp đặt hàng các viện nghiên cứu lớn, để nghiên cứu cho địa phương. Hơn là mỗi tỉnh tự bỏ ra một ít tiền, để cùng làm nghiên cứu về một cái gì đó”, ông Tuấn kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Liễu cũng đề nghị các địa phương tiếp tục xới xáo những khía cạnh xung quanh vấn đề liên kết vùng về KH&CN. Bởi không chỉ xung quanh việc khai thác thông tin, kết nối cung cầu công nghệ, mà còn nhiều vấn đề đang đặt ra như bảo hộ sở hữu trí tuệ với các nông sản chủ lực cùng được trồng ở nhiều tỉnh, hay “nóng” như ô nhiễm môi trường cần phải cùng thảo luận và tìm phương án giải quyết. Mấy năm gần đây Bộ KH&CN cũng đã đưa ra một số đề bài nhiệm vụ chung cho cả vùng. Các tỉnh có thể cùng đề xuất, thảo luận. Có những vấn đề chung có thể cùng làm được, nhất là các vấn đề liên ngành liên vùng trong liên kết về công tác quản lý nhà nước, liên kết về quản lý khoa học, nhiệm vụ khoa học.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận xét, “sau ba lần giao ban, Hội nghị ngày càng đi vào thực chất hơn, bàn đến những vấn đề gần gũi với cuộc sống hơn, có hơi thở cuộc sống hơn”. Hội nghị lần này bàn tới việc nâng cao hiệu quả đầu tư, sở hữu trí tuệ, chuỗi giá trị, về vấn đề liên kết giữa các tỉnh thành, liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý… là những tín hiệu tích cực.