"Doanh nghiệp nên đổi mới sáng tạo từ những việc nhỏ nhất, không nhất thiết phải đổi mới sáng tạo từ những gì xa vời, nếu thực hiện tốt từ việc nhỏ sẽ nảy sinh những ý tưởng hữu ích".

Đó là chia sẻ của ông Intani Takahide - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Việt Nhật VIT - JP tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong quản trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.

Hội thảo do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức ngày 17/8 tại TPHCM.

Ông Intani Takahide đưa ra một số nguyên tắc về ĐMST mà các doanh nghiệp cần chú ý: nên đổi mới từ những điều đơn giản, nhỏ nhất và xung quanh mình. Ông cho rằng, nếu mỗi doanh nghiệp làm thật tốt và tích lũy dần những kinh nghiệm từ những việc nhỏ nhất, hàng ngày sẽ nảy sinh ra nhiều ý tưởng sáng tạo hữu ích cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ĐMST thường có ở những người đã từng thất bại trong đổi mới và dễ thực hiện ở những người trẻ tuổi. Vì theo ông, ĐMST không phải ai cũng dễ dàng thành công. Vì vậy, khi có ý tưởng mới, cần phải quyết tâm làm thử, đó là điều quan trọng. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cần ủng hộ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân viên trẻ trong các hoạt động ĐMST.

Ông Intani Takahide chia sẻ kinh nghiệm về ĐMST tại Hội thảo

Ông Intani Takahide cũng đưa ra những yếu tố cơ bản làm cản trở hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp. Đó là sự bảo thủ của lãnh đạo, luôn đánh giá sự nỗ lực của nhân viên bằng những tiêu chuẩn đánh giá cũ. Đối với những người làm các công việc cũ, lặp đi lặp lại, không thay đổi thì không nên phản đối mà góp ý và khuyến khích họ ĐMST.

ĐMST cần phải có một thời gian nhất định, tương đối dài nên không nên đánh giá mang tính ngắn hạn. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần kiên nhẫn chờ đợi sự ĐMST từ cấp dưới. Xác suất trong ĐSMT thất bại là khá cao nên nếu nhân viên có thất bại thì lãnh đạo doanh nghiệp cần khuyến khích động viên họ tiếp tục làm tốt cho những ý tưởng lần sau, thay vì khiển trách hay đuổi việc - ông Intani Takahide chia sẻ.

Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp không nên yêu cầu nhân viên làm báo cáo, chỉ thị những việc nhỏ nhặt, không có ý nghĩa. Những công việc này cản trở khả năng làm việc, ĐMST của họ - ông Intani Takahide nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ thì cho rằng, ĐMST cần phải có đích để ngắm đến và từng bước thực hiện để đạt được mục tiêu. Khi xây dựng chiến lược phát triển phải có tầm nhìn xa và kế hoạch thực hiện từng bước.

Yếu tố ĐMST phụ thuộc vào tư duy, sáng tạo không phải chỉ để đổi phó, cần có sự hỗ trợ và tham khảo ý kiến của những người xung quanh. Ngoài ra, cần nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ và loại bỏ nhanh để có những sản phẩm mới thay thế sản phẩm cũ - ông Trúc nói thêm.