“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ thay đổi cơ bản cách thức con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Công nghệ mới mang tính đột phá đang xóa đi những ranh giới truyền thống của không gian vật lý, không gian sinh học”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit 2016) với chủ đề “Cách mạng số - cơ hội và thách thức”.

Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, giúp thúc đẩy các quốc gia xác định được con đường tốt nhất để đối phó hiệu quả với những thách thức đặt ra.

Các khách mời trong phiên tọa đàm “Cách mạng số và quốc gia khởi nghiệp” tại diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2016. Ảnh: Loan Lê

Thực tế thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn là cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước năm 1784, cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn năm 1870 và cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng CNTT và điện tử năm 1969.

Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được tiếp nối với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học. Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối (Internet of Things) và giao thoa thực - ảo.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - cho rằng, tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 là một thách thức đối với Việt Nam.

“Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình, vượt qua tâm lý tư duy phát triển tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” - ông Tuyển nói.



Tự bỏ tiền khởi nghiệp - khả năng thành công cao

Thiếu tướng - Tổng Giám đốc Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tính trách nhiệm đối với đồng vốn để thành công.

Theo ông Hùng, thông thường doanh nghiệp có thị trường, thấy cơ hội thường đổ cả tỷ đồng đầu tư; nhưng với một người bình thường, việc khởi nghiệp có khi chỉ cần 20 triệu đồng.

“Nếu nói câu chuyện khởi nghiệp, tính xin quỹ sẽ là rất khó vì tâm lý tự nhiên của con người là chỉ khi rất đam mê một công việc nào đó, người ta mới tiêu những đồng tiền của chính mình; nhưng khi xin được hay vay mượn đâu đó, người ta thường tính đến chuyện tiêu số tiền đó trước. Hãy thay đổi cách suy nghĩ đó bằng việc bỏ chính đồng tiền của mình ra để đầu tư khởi nghiệp” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, hiện Bộ KH&CN mong muốn được đưa nguồn nhân lực trẻ vào công cuộc khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo và đã trình Chính phủ và Thủ tướng đề án 844 phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Hy vọng với nội dung của đề án, lực lượng sinh viên - những người có tinh thần cách mạng số - hoàn toàn có thể lập nghiệp và xây dựng được những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao” - Thứ trưởng Tùng kỳ vọng.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã đề xuất với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xây dựng cổng thông tin kết nối và cung cấp thông tin đầy đủ cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cổng thông tin này công khai tất cả văn bản thủ tục hành chính, quy định của Nhà nước về việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời cung cấp toàn bộ cơ sở dữ liệu, công nghệ, sáng chế của Việt Nam cũng như của nước ngoài.

“Tại đây, các kết quả đề tài nghiên cứu đưa lên công khai thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân tham khảo tìm hiểu mục tiêu, cơ hội để tìm đến công nghệ. Chúng tôi tin rằng đó chính là chìa khóa để cho các lực lượng của chúng ta tiếp cận thông tin” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 6 giải pháp cần thực hiện đồng bộ

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo KH&CN trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0.

- Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp.- Phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.

- Từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh.

- Các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình.