Một trong những trọng tâm mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 ngày 3/2/2020 là phải “Đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm”.

Mà để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng, phải có sự vào cuộc đồng bộ, trong đó “đặc biệt là Bộ KHCN đề xuất [chính sách], còn các bộ phụ trách chính sách kinh tế phải vào cuộc thực sự để xây dựng cơ chế kinh tế thiết thực”, để các doanh nghiệp thấy đầu tư nhiều hơn cho KHCN và cho nguồn nhân lực chất lượng cao đem lại lợi ích “không chỉ lâu dài mà còn trước mắt, không chỉ gián tiếp mà còn trực tiếp”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Những đóng góp thực chất của KH&CN vào thành tựu chung

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân mà KH&CN nước nhà đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Các bộ, ngành, cơ quan đã chung tay cùng Bộ và ngành KH&CN để từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo hành lang ngày càng thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. KH&CN ngày càng gắn bó mật thiết và đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh đất nước giữ vững mức tăng trưởng cao nhiều năm, năm 2019 đạt hơn 7%, ngành KH&CN đã có những đóng góp quan trọng. Điển hình có thể kể tới một số kết quả đáng chú ý như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu là số nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng 26% so với 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46%...

Trong Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết những kết quả đạt được trong từng lĩnh vực:

Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn đã tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 và phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nghiên cứu cơ bản tiếp tục đạt kết quả tích cực, số lượng công bố trên tạp chí uy tín quốc tế ISI và Scopus tăng 1,3 lần so với năm 2018. Khoa học tự nhiên tập trung tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ được nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Trước diễn biến nhanh chóng của các dịch bệnh mới nổi như dịch tả lợn châu Phi, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng: đã chủ động sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập khẩu. Tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu đề tài trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông. Ngành xây dựng, bước đầu đã hướng dẫn các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình xây dựng.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiếp tục nâng cấp mở rộng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán thẻ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech, định hướng chuyển đổi số, quản trị thông minh hướng tới phát triển ngân hàng số. Các dịch vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty công nghệ phát triển mạnh. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai hiệu quả trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phòng thí nghiệm về thông tin di động thế hệ mới đã được triển khai xây dựng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Trong lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia: Các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự góp phần quan trọng trong việc chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao hiệu quả khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quân đội. Nhiều kết quả nghiên cứu có tính lưỡng dụng, đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Đã làm chủ công nghệ và chế tạo thành công hệ thống đo và hiển thị các tham số dẫn đường, tham số bay cho máy bay đảm bảo an toàn và an ninh quân sự. Đóng mới và hạ thủy tàu cứu hộ tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên Yết Kiêu, số hiệu 927.

Trong lĩnh vực y tế: Lần đầu tiên thực hiện thành công tách gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; nghiên cứu, sản xuất thành công vắc - xin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vắc- xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng vi-rút cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B; thực hiện thành công phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị Hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam. Sản phẩm stent mạch vành đã được lưu hành trên thị trường và đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân mà KH&CN nước nhà đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành

Những kết quả, con số trên “cho thấy sự đóng góp thực chất, đáng kể của khoa học và công nghệ vào trong thành tựu chung”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét. Đây không chỉ là nỗ lực của riêng ngành KH&CN, cơ quan hoạch định chính sách khoa học và công nghệ, mà đã có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành.

Ví dụ, theo nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, số lượng công bố khoa học tăng nhanh có nguyên nhân rất lớn từ nỗ lực tự chủ hóa các đại học của ngành giáo dục (tỉ lệ công bố đến từ các trường đại học trong tổng số công bố quốc tế của cả nước đã tăng từ 54% lên hơn 80% kể từ năm 2016 đến nay). Đối với ngành xây dựng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến nay các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực làm chủ thiết kế và thi công công trình ở nhiều quy mô, trên mọi lĩnh vực về nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông… và có khoảng 30 doanh nghiệp có trình độ KHCN đủ khả năng làm tổng thầu với công trình có quy mô rất lớn. Trong năm qua, ngành xây dựng đã đưa KHCN vào các vấn đề rất căn cốt, then chốt của ngành như đổi mới quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành xây dựng cho đến đổi mới mô hình thông tin của ngành xây dựng, giúp giảm thời gian thi công tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng, làm tăng tính minh bạch, công khai, giúp làm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Dựa trên kết quả này, chúng tôi đang nỗ lực làm đề án số hóa với mục tiêu 3 – 5 năm nữa sẽ số hóa toàn bộ, giúp làm tăng tính công khai minh bạch trong quản lý chi phí đầu tư và hạn chế tối đa hiện trạng tiêu cực trong đầu tư xây dựng”, ông Phạm Hồng Hà nói.

Các doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị đều hiểu rằng “không có con đường nào khác ngoài việc phải thúc đẩy nghiên cứu KHCN”. Như chia sẻ tại Hội nghị của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed cho thấy bài học của ThaiBinh Seed là đẩy mạnh nghiên cứu, kết hợp, nhận chuyển giao từ các nhà khoa học nông nghiệp để cung cấp giống nội địa, giảm dần phụ thuộc vào giống ngoại nhập. Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ có thể gặt hái được nhiều kết quả khi có sự tháo gỡ, điều chỉnh chính sách tạo điều kiện giúp doanh nghiệp sáng tạo, tập trung nghiên cứu khoa học. Kể từ khi có quy định được trích 10% lợi nhuận trước thuế, ThaiBinh Seed đã có hàng chục tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học, tiến từ thành lập phòng nghiên cứu khoa học công nghệ đến chỗ xây dựng hẳn một viện nghiên cứu trực thuộc.

Năm điểm ưu tiên tập trung

Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng với những con số định lượng cũng như tinh thần từ mỗi nhà khoa học tới các công dân “ai ai cũng mong muốn đóng góp trí lực vào sự phát triển chung của đất nước”, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận, so sánh tiềm lực của đất nước với khu vực và thế giới thì vẫn còn rất “khiêm tốn”. Chẳng hạn, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới, về mặt khoa học tuy số công bố quốc tế tăng trên 26% nhưng “không ăn thua gì so với các nước trong khu vực và quốc tế” – mới chỉ bằng 23% so với Malaysia, bằng 45% so với Thái Lan. Số cán bộ khoa học trên đầu người từ 2013 tới bây giờ hầu như không tăng, vẫn ở mức 7,02% - chỉ bằng 20% so với trung bình của EU, bằng 7,6% so với Hàn Quốc, bằng 29.8% so với Malaysia, bằng 58% so với Thái Lan. Chi ngân sách cho KHCN còn ít - năm cao nhất mới đạt khoảng 1,8% tổng chi ngân sách (so với 2% theo quy định) và dù cố gắng nhưng vẫn còn lãng phí.

Trước những khó khăn, thách thức như vậy thì cần phải làm gì? Phó Thủ tướng tóm gọn năm vấn đề cần phải thực hiện, mà trong đó ngành KH&CN có vai trò đề xuất chính sách, các bộ ngành phải “vào cuộc đồng bộ” chứ không để ngành KH&CN đơn độc.

Thứ nhất là vẫn phải nhấn mạnh để đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Và phải có sự vào cuộc đồng bộ, trong đó “đặc biệt là bộ KH&CN đề xuất [chính sách], còn các bộ phụ trách chính sách kinh tế phải vào cuộc thực sự để xây dựng cơ chế kinh tế thiết thực”, để các doanh nghiệp thấy đầu tư nhiều hơn cho KH&CN và cho nguồn nhân lực chất lượng cao đem lại lợi ích “không chỉ lâu dài mà còn trước mắt, không chỉ gián tiếp mà còn trực tiếp”. Làm được điều này sẽ khắc phục tình trạng bấy lâu nay chủ yếu kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực và nhận thấy lợi ích lâu dài đầu tư, còn các doanh nghiệp chưa có tiềm lực mạnh, chưa có tích lũy nhiều không được khuyến khích bằng các chính sách kinh tế trực tiếp để đầu tư ngay [cho KH&CN].

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân thành lập viện nghiên cứu trên tinh thần không phân biệt các viện nghiên cứu công lập và tư nhân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Về phía quản lý nhà nước, ngoài việc đưa ra các định hướng, chiến lược thì phải đổi mới quản lý chi ngân sách - chặt chẽ nhưng tôn trọng, tin tưởng nhà khoa học, chấp nhận tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, Bộ KH&CN phải cân đối, chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, chính trị, khoa học quân sự. Bởi vì điểm lại các công bố quốc tế chủ yếu là những nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ, khoa học sự sống… còn các ngành khoa học quản lý, khoa học xã hội còn rất ít.

Thứ ba, hệ sinh thái khởi nghiệp rất được chú trọng với các kết quả đáng mừng, nhưng trong thời gian tới cần phải tăng cường kết nối với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thâm nhập thị trường, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp khởi nghiệp thường rất non trẻ và đưa ra sản phẩm mới mẻ nhưng lại phải đáp ứng yêu cầu “có kinh nghiệm” mới được tham gia đấu thầu.

Thứ tư, phải minh bạch tất cả mọi đề tài, mọi công trình của các cấp các ngành…bởi vì “chỉ có có minh bạch thì mới tiết kiệm được, mới tạo chất lượng cho khoa học, mới tôn vinh được những ý kiến chuyên gia”, mặt khác cần phải kết nối với hệ thống thông tin khoa học quốc tế nhằm tránh nghiên cứu trùng lặp. “Minh bạch là thước đo tốt nhất để người làm khoa học đánh giá lẫn nhau, mơà không thanh tra kiểm tra nào bằng”, Phó Thủ tướng nói.

Cuối cùng, Bộ KH&CN phải đi đầu, khởi dậy sáng tạo trong toàn xã hội, mà sáng tạo không chỉ là những đề tài nghiên cứu, sáng chế, mà kể cả những sáng kiến trong quản lý xã hội, trong thường nhật. Tuy nhiên, ý tưởng sáng tạo và đổi mới bao giờ cũng rất “thiểu số”, cho nên cần nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho ý tưởng mới chứ không nên đặt cho nó quá nhiều câu hỏi thận trọng để bỏ lỡ ý tưởng. Phó Thủ tướng lấy ví dụ gần đây một số thành phố như Huế đã bắt đầu ứng dụng khoa học và công nghệ vào để kêu gọi, khuyến khích người dân đưa ra các sáng kiến cho thấy sức mạnh của việc khơi dậy sự sáng tạo trong mỗi người dân hoàn toàn có thể giải quyết được những vấn đề của thành phố.


Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN T
rần Quốc Khánh và Huân chương Lao động hạng ba choThứ trưởng KH&CN Phạm Công Tạc.