Những kiến thức quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh các doanh nghiệp (DN) cần phải biết đến nhiều hơn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Những kiến thức đó được phân tích tại Hội thảo Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN do Cục công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) TP.HCM tổ chức ngày 13/7/2016 tại TP.HCM.

Cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong ba “trụ cột” của cộng đồng ASEAN mà Việt Nam đã là thành viên. Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, các DN cần coi trọng việc xác lập quyền SHTT để bảo đảm quyền độc quyền khai thác và được bảo vệ về mặt pháp lý, ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác xâm phạm.

Bộ KH&CN cung cấp nhiều kiến thức về SHTT cho các doanh nghiệp
Bộ KH&CN cung cấp nhiều kiến thức về SHTT cho các doanh nghiệp

Ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng chiếm đoạt nhãn hiệu ở thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài. Các DN phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Chính vì thế việc tiếp cận với các hình thức bảo hộ quyền SHTT hiện hành là công cụ tiên quyết để tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho các DN.

Theo ông Tuấn, hiện nay có nhiều công cụ đăng ký SHTT tại nước ngoài. Song, với lợi ích của của hệ thống Madrid, người nộp đơn sử dụng một đơn đăng ký duy nhất để đăng ký bảo hộ SHTT với nhiều quốc gia khác nhau. Các DN có thể đăng ký nhãn hiệu tại các nước ASEAN thông qua hệ thống Madrid. Điều này làm tiết kiệm một khoản chi phí cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) khi đăng ký quyền SHTT.

Ông Lê Trung Thọ, giám đốc công ty cổ phần Hòa Ngọc cho biết: “Thời gian qua nhiều DN của Việt Nam như công ty Vinataba, cà phê Buôn Ma Thuột, thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị đăng ký độc quyền nhãn hiệu trái phép. Vì vậy, DN Việt Nam cần phải nhận thức tầm quan trọng của việc đăng ký SHTT để bảo vệ mình về mặt pháp lý, tranh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay”.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phòng phía Nam Cục SHTT, khuyến nghị DN cần cân nhắc kỹ trước khi nộp đơn đăng ký SHTT. Cụ thể, thị trường đăng ký có tiềm năng khai thác thương mại cho sản phẩm/dịch vụ của mình hay không; DN đã có ý định sử dụng nhãn hiệu cần đăng ký ở thị trường đó hay chưa; Dấu hiệu mà DN sử dụng làm nhãn hiệu có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ hay không; kiểm tra xem đã có người khác được cấp bằng hay nộp đơn đăng ký tại thị trường đó hay chưa… Ngoài ra, DN cần tìm hiểu thật kỹ hệ thống quy phạm pháp luật về SHTT của nước cần đăng ký để có các bước thực hiện phù hợp.