Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ năm 2015, chiều 11/9, lãnh đạo Bộ KH&CN và các nhà khoa học trẻ đã có chuyến tham quan Khu công nghệ cao Hòa Lạc.


Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng BQL Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giới thiệu tổng quan về Khu công nghệ cao Hòa Lạc với các nhà khoa học trẻ. Sau đó các nhà khoa học trẻ lần lượt tham quan Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Công ty liên doanh Việt-Hàn sản xuất thiết bị y tế trong Khu công nghệ cao, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Đại học FPT.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc là một trong ba khu công nghệ cao ở Việt Nam (bên cạnh Khu công nghệ cao TP.CHM và Khu công nghệ cao Đã Nẵng đang được xây dựng). Cách trung tâm Thủ đô 30 phút, Sân bay Quốc tế Nội Bài 60 phút di chuyển, đặc biệt là sự đầu tư vào Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Hòa Lạc trong thời gian gần đây, ông Quỳnh chia sẻ rằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc hứa hẹn là điểm thu hút các nhà khoa học trẻ về nghiên cứu và làm việc.

Ông Nguyễn Đức Long, GĐ Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, chia sẻ rằng, “Trung tâm ưu tiên phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, Công nghệ thông tin - truyền thông (ICT);Công nghệ sinh học, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp, y tế và môi trường”.

Các nhà khoa học trẻ tham quan xe ra-đa do Tập đoàn Viettel chế tạo.

Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI) được thành lập vào ngày 29/12/2006, là một thành phần của chu trình đào tạo - nghiên cứu, triển khai - sản xuất - thương mại hóa sản phẩm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Với tiêu chí phi lợi nhuận, cùng chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trung tâm mang đến những cơ hội cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng thành lập doanh nghiệp và thương mại hóa sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ cao. Đặc biệt là với các nhà khoa học trẻ, Trung tâm mang đến cơ hội, môi trường nghiên cứu và thử nghiệm thực tế thuận lợi.

Tiếp sau Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đoàn tham quan Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Tại đây, lãnh đạo Tập đoàn Viettel rất vui khi tiếp đón Đoàn các nhà khoa học trẻ. Trong buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Tập đoàn Viettel đã chia sẻ ý tưởng vươn ra thế giới về khoa học và công nghệ của Việt Nam. Ông cũng trả lời nhiều khúc mắc và mong muốn các nhà khoa học trẻ cùng đóng góp vào nền công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Chia sẻ tâm sự sau chuyến tham quan Tập đoàn Viettel, TS Phạm Phương Chi không giấu được sự hào hứng: “Dù tôi không am hiểu về khoa học tự nhiên và công nghệ viễn thông nhưng thấy các bạn trong đoàn rất hào hứng với cơ sở vật chất của Viettel và bản thân tôi được tận mắt nhìn những công nghệ hiện đại này giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu”.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện với các nhà khoa học trẻ.

TS Dương Tuấn Hưng (chuyên ngành hóa học) thì chia sẻ về quá trình từ tài liệu lý thuyết của các công trình nghiên cứu tới thành công ra sản phẩm với các nhà khoa học trẻ vô cùng quan trọng.

“Chuyến tham quan Tập đoàn Viettel đối với tôi vô cùng hữu ích, vì ở đây cho thấy sự khả thi của các công trình nghiên cứu khoa học, điều này giúp những nhà khoa học trẻ chúng tôi bám sát vào yếu tố khả thi trong mỗi công trình”.

Khu điều khiển viễn thông toàn cầu của Tập đoàn Viettel

Cuối ngày, Đoàn các nhà khoa học trẻ tham quan tại Trường Đại học FPT, Làng Phần mềm FPT (F-Ville) - dự án phần mềm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Lãnh đạo Tập đoàn FPT dẫn đoàn đi thăm khuôn viên của làng Phần mềm FPT - dự án phần mềm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng (sn 1983), giảng viên Toán trường Đại học FPT là một trong 68 gương mặt nhà khoa học trẻ tiêu biểu.

Hiện tại, với tổng số cán bộ công nhân viên lên đến 25.551 người, trong đó có khoảng 8.530 kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế. FPT cũng nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều tài năng trẻ của đất nước, với độ tuổi trung bình của cán bộ nhân viên rất trẻ, 27,8 tuổi.