Hiện nay, đồ chơi giáo dục, phát triển trí tuệ mang thương hiệu Việt Nam không chỉ bị lấn át bởi các món đồ chơi ăn theo phim hoạt hình quốc tế, mà còn khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các “đối thủ” mới như máy tính bảng, điện thoại thông minh...

Đò chơi Việt phải cạnh tranh với nhiều "đối thủ". Ảnh: Vân Anh.
Đồ chơi Việt phải cạnh tranh với nhiều "đối thủ". Ảnh: Vân Anh.
Phim sốt, đồ chơi “nóng” theo
Dạo qua một loạt các cửa hàng bày bán đồ chơi để mua quà cho con nhân dịp Tết Trung thu, chị Nguyễn Thanh Mai (đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngoài mua 2 chiếc lồng đèn có nhạc, chị còn chọn thêm cho 2 bé nhà mình bộ công chúa Sofia và rôbốt ninja go. Hai món đồ chơi này đều là những nhân vật mà các con của chị thường hay xem trên kênh truyền hình yêu thích. Chị Nguyễn Thanh Mai cho biết: “Hai bé nhà mình xem phim hoạt hình rồi chúng chỉ thích mấy loại đồ chơi này. Còn đồ chơi trong nước quanh đi quẩn lại chỉ toàn học chữ, học số, bàn cờ vuông, cao cấp hơn chút thì có xe hơi (cũng chỉ là loại đẩy cót), bé gái thì có bộ nhà bếp, bàn ghế... kiểu dáng đơn giản. Bọn trẻ nhà tôi chán hết rồi”.
Gần ngay đó là anh Phạm Tuấn Anh cùng cậu con trai 4 tuổi cũng đi chọn những món đồ chơi cậu ưa thích. Anh chia sẻ: “Con mình muốn bố mua siêu nhân và thần xe siêu tốc. Các loại xe này có thể điều khiển từ xa và đi trên nhiều địa hình khác nhau, khiến trẻ rất yêu thích. Chứ xe ôtô của mình chỉ đẩy tay thôi. Tuy giá mỗi chiếc xe này không phải rẻ lắm, nhưng cứ thấy con say mê chơi thì bố mẹ cũng tặc lưỡi mua thôi”.
Với khuôn viên rộng khoảng 40-50m2, có thể thấy hàng nghìn món đồ chơi phục vụ cho đủ nhóm tuổi xuất hiện tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Từ đồ chơi dành cho bé gái như búpbê, thú bông màu sắc sặc sỡ đến các loại xe mô hình, xe tăng, ôtô, siêu nhân dành cho bé trai. Hấp dẫn và bán được nhiều nhất là các nhân vật hoạt hình theo phim phát trên truyền hình như Vòng quay vô cực, Thomas and Friend, Ván trượt siêu hạng, Nữ hoàng băng giá...; trong khi đó, các đồ chơi giáo dục của Việt Nam lại không thấy được chủ cửa hàng bày bán. Với mức giá - theo như phóng viên khảo sát được - không hề rẻ, thế nhưng đồ chơi trẻ em ăn theo các phim hoạt hình quốc tế vẫn hút được khá nhiều tiền của các vị phụ huynh.
“Các đơn vị phân phối, bán hàng thường tổ chức các trò chơi, trận đấu theo phim vào cuối tuần để thu hút trẻ cũng như để bán được hàng và quan trọng là loại bỏ hàng nhái, hàng ăn theo. Trong khi đó, đồ chơi trong nước vẫn đi theo tiêu chí “giáo dục cao”, ít có cải tiến mẫu mã, dẫn đến tính cạnh tranh không cao. Đồ chơi của Việt Nam cũng có nhập nhưng bán chậm lắm” - chị Kim Phương - chủ một cửa hàng đồ chơi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.
Giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú và đổi mới liên tục là thế mạnh của đồ chơi Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Tại các cửa hàng trên loạt tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân…, bên cạnh các mặt hàng đồ chơi bằng gỗ của Việt Nam như đồng hồ, đoàn tàu, nhà thả gỗ… với mức giá 200.000 đến 450.000 đồng/món thì các loại đồ chơi ăn theo phim hoạt hình đang nổi như Minons, Nữ hoàng băng giá, Zinba, Vòng quay vô cực... cũng với mức giá tương tự lại luôn được nhiều trẻ nhỏ lựa chọn hơn.
Đồ chơi Việt: Vẫn bài toán về giá
Theo các công ty sản xuất, kinh doanh đồ chơi gỗ tại Việt Nam, doanh số sáu tháng đầu năm 2015 của thị trường đồ chơi bằng gỗ giảm sút nhẹ và đây là tình hình chung của thị trường đồ chơi giáo dục “made in Vietnam”. Phân tích nguyên nhân vì sao đồ chơi gỗ “made in Vietnam” không còn được ưa chuộng như 2-3 năm trước đây, giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất đồ chơi trong nước cho rằng, đó là do sự trở lại của hàng Trung Quốc giá trung bình đã cạnh tranh trực tiếp với đồ chơi trong nước.
Nhiều mặt hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng có thương hiệu được bày bán trong các cửa hàng, hệ thống phân phối với tem nhãn hợp quy đầy đủ, giá trung bình 200.000-400.000 đồng/món phù hợp với các gia đình Việt Nam và cả với mục đích biếu, tặng. Các mặt hàng này tập trung vào chức năng giúp bé vừa học vừa chơi như bảng chữ cái, con số hay dụng cụ bác sĩ, thợ xây, đồ làm bếp... So với đồ chơi gỗ trong nước có cùng chức năng, giá các mặt hàng này tương đương hoặc rẻ hơn 20-25% tùy mặt hàng.
Ông Lê Hồng Thắng - Giám đốc Công ty gỗ Đức Thành - cho biết: “Với đồ chơi gỗ của Việt Nam, sở dĩ giá thành vẫn còn tương đối cao do nguyên vật liệu đầu vào, các mẫu mã được thiết kế phải đảm bảo an toàn, không có cạnh góc nhọn. Hầu hết đồ chơi sản xuất trong nước đều làm bằng phương pháp gia công truyền thống như bộ bàn cờ, bộ xếp hình bằng gỗ... sử dụng lâu, bền, được chú ý bởi vừa kích thích tư duy của bé, vừa an toàn”.
Thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện các mặt hàng đồ chơi gỗ nhập khẩu từ châu Âu, giá cao gấp 2-3 lần so với hàng trong nước, thậm chí nhiều món có giá hàng triệu đồng nhưng vẫn bán chạy. Nguyên nhân là do mẫu mã, màu sắc, sự sáng tạo và ăn khớp giữa các chi tiết của các sản phẩm này hơn hẳn hàng trong nước.
“Phụ huynh bây giờ có xu hướng lựa chọn đồ chơi cho con rất kỹ, ví dụ như lứa tuổi mẫu giáo hay chọn đồ chơi gỗ. Họ cũng chú trọng vào các loại đồ chơi nổi tiếng hay được ưa chuộng theo xu thế, dù khá đắt tiền” - một đơn vị sản xuất đồ chơi trong nước cho biết.
Rõ ràng, hiện đồ chơi trong nước đang tụt hậu hẳn so với đồ chơi nhập ngoại cả về mẫu mã, chủng loại và giá thành. Nếu các doanh nghiệp không chủ động, linh hoạt thay đổi thiết kế mẫu mã, chủng loại đạt chất lượng; nếu Nhà nước không có thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia thì thị trường tiềm năng này có thể rơi vào tay những nhà sản xuất nước ngoài, nhất là khi Việt Nam cuối năm nay sẽ gia nhập khối thị trường chung ASEAN, hàng loạt các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn - hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng:
“Trung thu và ngày Tết Thiếu nhi 1/6 là dịp các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh việc tiêu thụ đồ chơi trẻ em, đi liền với đó là hành vi vi phạm chất lượng gia tăng. Chính vì thế, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng hàng hóa và chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng các địa phương tăng cường kiểm tra chất lượng các sản phẩm lưu thông trên thị trường”.
Hiện tổng cục cũng đang xem xét, nghiên cứu kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chất lượng hàng hóa. “Mức xử phạt cần tăng để đảm bảo tính răn đe. Thẩm quyền xử phạt cũng cần trao cho các cơ quan chức năng nhiều hơn” - ông Linh bày tỏ.