Bất ngờ khi chỉ mới đầu năm nay, Zoomcar vui mừng chia sẻ rằng họ đã đạt điểm hòa vốn chỉ sau một năm gia nhập thị trường Việt Nam

f
Thông báo dừng hoạt động khiến nhiều người ngạc nhiên, khi đầu năm nay, ông Kiệt Phạm - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc quốc gia của Zoomcar tại Việt Nam - chia sẻ rằng Zoomcar Việt Nam đã đạt điểm hòa vốn chỉ sau một năm gia nhập thị trường. Ảnh: VIR

Chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 12/2021, Zoomcar - startup Ấn Độ cho thuê xe tự lái - được kỳ vọng sẽ trở thành sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê xe ô tô tự lái lớn nhất Việt Nam. Nền tảng này kết nối chủ sở hữu xe với những người có nhu cầu sử dụng xe linh hoạt vì lý do cá nhân, kinh doanh hay du lịch. Người dùng có thể chọn xe (SUV, Sedan, Hatchback, MPV, bán tải.) và thuê theo giờ (từ 8 tiếng trở lên) trên ứng dụng mà không cần đặt cọc.

Chỉ sau 1,5 năm hoạt động, mới đây, Zoomcar Việt Nam đã ra thông báo ngừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam “do điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới”.

Đội ngũ Zoomcar Việt Nam cho biết sẽ hoàn thành các nghĩa vụ của mình với tất cả khách hàng, đối tác chủ xe và đối tác nhà cung cấp trong thời gian sắp tới. Zoomcar Việt Nam ngừng nhận đơn đặt xe từ ngày 24/5 và sẽ thanh toán doanh thu và tiền thưởng hằng tuần cho các đối tác chủ xe theo cam kết cho đến ngày 30/6. Zoomcar Vietnam cũng sẽ liên hệ với từng nhà cung cấp để thống nhất các kế hoạch trong tương lai.

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật Zoomcar Việt Nam sẽ liên lạc riêng với đối tác chủ xe để sắp xếp lịch thu hồi thiết bị. “Việc này nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cho quý đối tác sau khi Zoomcar ngừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, thông báo nêu rõ.

Thông báo dừng hoạt động được đăng tải trên trang chủ website Việt Nam.
Thông báo dừng hoạt động được đăng tải trên trang chủ website Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Đây là một thông báo hết sức đột ngột, nhất là khi đầu năm nay, ông Kiệt Phạm - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc quốc gia của Zoomcar tại Việt Nam - chia sẻ rằng Zoomcar Việt Nam đã đạt điểm hòa vốn chỉ sau một năm gia nhập thị trường Việt Nam – điều rất ít startup làm được. Nền tảng đã đạt 10.000 chuyến xe, thu hút sự tham gia của hơn 3.000 chủ xe. “Trong năm 2023, doanh thu của Zoomcar sẽ đạt khoảng 80 triệu USD”, ông cho biết.

Đây là mong muốn có cơ sở, bởi báo cáo của Seasia cho thấy, vào tháng 10/2019, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam chỉ ở mức 23 xe/1.000 dân so với con số 204 xe tại Thái Lan. Người Việt Nam có nhu cầu sử dụng ô tô theo giờ đều có thể trở thành tệp khách hàng tiềm năng của Zoomcar. Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên, người dân sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô nhiều hơn. Về lâu dài, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, thuê xe được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những dịch vụ phổ biến nhất trong ngành vận tải đô thị.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường cho thuê ô tô Việt Nam được định giá 463,19 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 884,71 triệu USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm) trên 13,82% trong giai đoạn 2022-2027.

Quyết định dừng lại của Zoomcar cho thấy dù Việt Nam sở hữu một thị trường đầy tiềm năng ở lĩnh vực cho thuê ô tô, các startup vẫn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn để duy trì đà phát triển dài hạn.


Zoomcar do David Back và Greg Moran thành lập vào năm 2013 tại Ấn Độ. Họ đi vào hoạt động với với số vốn 215.000 USD và một đội xe gồm bảy chiếc. 10 năm sau, họ đã huy động được tổng cộng 207 triệu USD và hiện diện tại hơn 40 thành phố ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Ai Cập.

Thời điểm ra mắt tại Việt Nam, Zoomcar vừa huy động được 92 triệu USD vốn đầu tư từ SternAegisVenture thông qua phát hành riêng lẻ, nhằm thúc đẩy các kế hoạch mở rộng và thành lập văn phòng ở Mỹ trước khi niêm yết. Việc lấn sân sang thị trường Việt Nam là một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động sang Đông Nam Á, với kế hoạch bơm hơn 100 triệu USD trong cuộc đua giành lấy “miếng bánh" thị phần trong thị trường tiềm năng này.