Các mức thuế mới được tạo ra bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và lợi nhuận thấp hơn cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc đến việc chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang ASEAN.

Kỹ thuật viên của Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi(MHI) đang làm việc tại dây chuyền sản xuất ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: AFP
Kỹ thuật viên của Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi(MHI) đang làm việc tại dây chuyền sản xuất ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: AFP

Trong nhiều thập kỷ qua, các công ty trên thế giới đã đổ xô đến Trung Quốc để tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp và sức mua sắm mạnh mẽ đến từ tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang bị đình trệ, và tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 chỉ đạt 6,6%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 28 năm gần đây kể từ năm 1990.

Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên các sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và đe dọa sẽ tăng lên 267 tỷ USD. Để trả đũa, Bắc Kinh áp dụng chính sách tương tự với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Mặc dù từ lâu, nhiều công ty đã bắt đầu di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc do chi phí sản xuất tăng lên cũng như các quy định ngày càng siết chặt hơn, nhưng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang góp phần đẩy nhanh xu hướng này.

Trong khi các công ty cần thời gian để chuyển địa điểm cơ sở sản xuất, giới chuyên gia nhận định vị thế trung tâm của Trung Quốc trong mạng lưới chuỗi cung ứng đang dần trở thành quá khứ, và ASEAN sẽ chuẩn bị đón nhận sự gia tăng đột biến trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

ASEAN vượt qua Trung Quốc

Theo một khảo sát được tiến hành tại Diễn đàn Tài chính châu Á (AFF) lần thứ 12 diễn ra ở Hồng Kông (Trung Quốc) vào tháng 1/2019, Đông Nam Á sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành khu vực mang lại lợi nhuận đầu tư tốt nhất năm 2019. Kết quả khảo sát này do công ty kiểm toán quốc tế Pricewaterhouse Cooper (PwC) thực hiện.
“Kết quả khảo sát phản ánh khá rõ những gì đang diễn ra trên khắp thế giới. Một số giám đốc điều hành (CEO) của các công ty đang điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ để phù hợp với môi trường kinh doanh hiện nay”, Raymund Chao, chủ tịch PwC phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Quốc, nhận định.

ASEAN đang là “thỏi nam châm” thu hút các nhà máy mới, nhờ chi phí sản xuất thấp, tốc độ phát triển vững chắc với 5 nền kinh tế lớn nhất có GDP tăng bình quân 5,3% mỗi năm. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tại khu vực này cũng ngày càng cải thiện, và ASEAN cũng khá gần với Trung Quốc.

Việt Nam dường như có nhiều cơ hội hơn là thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của công ty sản xuất thiết bị y tế Hàn Quốc IM Healthcare và hãng sản xuất máy tính Compal của Đài Loan – cả hai đều đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

“Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang chuyển sang mua hàng từ Việt Nam”, ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất đồ nội thất Phú Tài tại Việt Nam, cho biết. Với việc công ty Walmart (Mỹ) trở thành một trong những khách hàng mới của mình, lượng hàng hóa xuất khẩu của công ty Phú Tài dự kiến tăng 30% vào năm 2019. Công ty sẽ đầu tư thêm khoảng 10 triệu USD để mở rộng các nhà máy và dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng nói rằng đất nước này đã nhận được rất nhiều lời đề nghị đặt nhà máy sản xuất từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử, sản xuất thép và tự động hóa. “Vấn đề lớn nhất của chúng tôi hiện nay là làm thế nào để nâng cao năng lực sản xuất trong nước”, Guan Eng nói.

Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan đang điều phối một dự án trị giá 45 tỷ USD để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như tiến hành nhiều chuyến khảo sát đến những địa điểm xây dựng nhà máy tiềm năng.

Các doanh nghiệp ASEAN lạc quan

Trên toàn khu vực ASEAN, nhiều công ty đang ngày càng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Một báo cáo của tập đoàn HSBC năm ngoái cho thấy, 86% các công ty tại ASEAN nhìn nhận tích cực về hoạt động ngoại thương của họ, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 77%.

Tony Cripps – giám đốc điều hành HSBC tại Singapore – tự hỏi rằng, liệu các công ty tại ASEAN có đang đánh giá thấp rủi ro đi kèm với bất ổn thương mại hay không. “Dù sao thì các chuỗi cung ứng cũng đang dịch chuyển sang ASEAN và các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng”, Cripps nhận định.

Mặc dù xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất đang tăng lên, việc tuân thủ các quy định mới của địa phương và tìm kiếm nguồn nhân lực, nguyên liệu thô sẽ là những thách thức chính đối với các công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy mới và mở rộng quy mô sản xuất trong khu vực ASEAN.

Trong suốt quá trình chuyển đổi sản xuất này, việc áp dụng các thành tựu mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và robot sẽ giúp cắt giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao năng lực sản xuất.

Để tăng cường quảng bá khu vực như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, ASEAN cần xây dựng thêm đội ngũ lao động trình độ cao cũng như điều chỉnh các chính sách để bắt kịp với những tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, uy tín của ASEAN trong mắt các nhà đầu tư sẽ tăng lên và khu vực có thể tận dụng cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại.