Kể từ năm nay, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH, hay ĐH Việt - Pháp, sẽ đặt tên các niên khóa theo các danh nhân của hai nước, “để nhắc nhở chúng ta về sự khiêm tốn nhưng cũng khơi dậy lòng tự hào khi khoa học và công nghệ đã và đang định hình cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.”

jjj
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chụp ảnh kỷ niệm với các tân sinh viên USTH niên khóa Gen 13 - Marie Curie, Hà Nội, 18/10/2022. Ảnh: USTH

Thông tin trên do GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính của USTH, cho biết trong lễ khai giảng diễn ra vào chiều 18/10 với sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Vị hiệu trưởng người Pháp vui mừng thông báo, năm học 2022-2023, USTH tuyển sinh thành công nhất từ trước đến nay, với 900 tân sinh viên, học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ - so với con số gần 700 của năm học trước. Điều này, theo ông, thể hiện USTH có sức tăng trưởng bền vững. Nói riêng với tân sinh viên niên khóa 13 mang tên nhà nữ bác học Marie Curie, ông cho rằng “con đường dẫn đến thành công vì thế đang rộng mở trước mắt chúng ta, chúng ta hãy tin chắc vào điều này.”

Ông cũng khẳng định với các tân sinh viên, “điều quan trọng đối với chúng tôi tại USTH không phải là cấp cho các em tấm bằng tốt nghiệp mà là trao cho các em tất cả chìa khóa thành công, những kỹ năng tốt nhất về khoa học và công nghệ, thứ sẽ trở thành tấm hộ chiếu thành công của các em”, và bày tỏ kỳ vọng trên con đường đó, các em sẽ không ngừng “mở rộng tâm trí”, “bình tĩnh nhưng đầy tham vọng, táo bạo nhưng sáng suốt”.

jjj
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà lưu niệm cho Ban giám hiệu USTH, Hà Nội, 18/10/2022. Ảnh: USTH

GS. Jean-Marc Lavest nhìn nhận năm học 2022-2023 hết sức quan trọng vì đây là năm đầu tiên Trường thực hiện chiến lược mới cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, khi USTH tròn 20 tuổi.

Theo đó, trong 8 năm tới, USTH cần khẳng định vai trò trong việc đồng hành cùng những chuyển đổi lớn của đất nước thông qua sứ mệnh đào tạo các nhà khoa học, nhà phát triển công nghệ, và nhà quản lý khoa học và công nghệ – nội dung bản Chiến lược của USTH cho biết. Trường cũng đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu xuất sắc ở tầm quốc gia, hướng tới tầm khu vực và thế giới; nằm trong top 3 các trường đại học khoa học và công nghệ ở Việt Nam tính theo các chỉ số đánh giá chất lượng như năng suất công bố bình quân hằng năm trên các tạp chí SCI-E, kinh phí nghiên cứu bình quân, số trích dẫn bình quân cho mỗi nhà khoa học, số bằng sáng chế trong nước và quốc tế…

Một số mục tiêu cụ thể được USTH đặt ra cho năm 2030 gồm:

- Quy mô đào tạo: 5.000 sinh viên với 2 cơ sở ở Hà Nội và một phân hiệu ở miền nam cùng một phân hiệu dự kiến ở miền Trung;

- Tiếp tục hợp tác với các đối tác Pháp để mở rộng số chương trình đào tạo song bằng lên 20;

- Trình độ của giảng viên: ít nhất 70% có bằng Tiến sĩ;

- Số giảng viên đến từ doanh nghiệp: 15 người/năm;

- Năng suất công bố trên các tạp chí thuộc danh mục SCI-E/giảng viên – nghiên cứu viên/năm: 2,0

- Số bằng sáng chế: 3 bằng/năm;

- Giảm dần tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tự chủ tài chính tối thiểu 70% nhờ tăng các nguồn thu, bao gồm nguồn thu từ các dịch vụ KH&CN;

- Thúc đẩy một môi trường không chỉ đa văn hóa mà còn liên văn hóa để mọi sinh viên và giảng viên đều có thể hòa nhập trong thời gian học tập và làm việc ở USTH.

Bản Chiến lược của USTH còn cho biết, ngay khi luật pháp cho phép, Trường sẽ thành lập Quỹ Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo của mình.

gfg
GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính của USTH, đánh trống khai giàng năm học mới, Hà Nội, 18/10/2022. Ảnh: USTH

USTH, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Pháp với định hướng trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế đào tạo về khoa học và công nghệ.

Trường tiên phong ở châu Á trong việc đào tạo theo tiến trình Bologna, theo đó, thời gian đào tạo hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 2 năm, 3 năm. Trường hiện có 2.100 sinh viên (1% sinh viên từ phía Nam); và đứng thứ 3 trong số 40 đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về công bố quốc tế trên các tạp chí có chỉ số tác động cao. Ngân sách hằng năm của Trường, không bao gồm kinh phí dành cho nghiên cứu và đầu tư trang thiết bị, vào khoảng 90 tỷ đồng (năm 2021).

Từ năm 2022, USTH bắt đầu mở chương trình đại hoc song bằng Việt-Pháp cho 3 ngành đào tạo: Công nghệ sinh học và Phát triển thuốc, Công nghệ thông tin và Truyền thông, và Hóa học.