Trung tâm đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TP.HCM (Innovation Hub) sẽ góp phần kết nối mạng lưới các chuyên gia, các hệ sinh thái vùng Đông Nam bộ và TP.HCM

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VNUHCM

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM), tại tọa đàm “Kế hoạch xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030”, do ĐHQG-HCMtổ chức vào sáng 21/12.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng ĐHQG-HCMcó nhiều lợi thế để xây dựng một trung tâm ĐMST trong khuôn viên của mình, chẳng hạn như lợi thế về kế hoạch và kinh phí xây dựng, nguồn nhân lực, nguồn lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, lợi thế về vị trí. Tuy nhiên, ĐHQG-HCMhiện đang vấp phải một số rào cản là chưa có nguồn vốn lớn đầu tư cho con người, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn; những ràng buộc về thể chế như người đứng đầu doanh nghiệp đại học không phải là giảng viên, công chức, viên chức...

Đại diện Tổ chuyên gia Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp ĐHQG-HCM, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi đề xuất, Trung tâm ĐMST ĐHQG-HCM có thể tham khảo các mô hình hiệu quả từ NUS, ĐH MIT của Mỹ hoặc một số đại học ĐMST tại châu Âu - các quốc gia dẫn đầu về ĐMST trên thế giới.

NUS đã xây dựng chương trình NUS Overseas Colleges (NOC) nhằm phát triển tài năng kinh doanh cho sinh viên thông qua giáo dục dựa trên trải nghiệm học tập. Đặc biệt, NUS còn tổ chức các chương trình đào tạo giáo sư, nghiên cứu sinh và học viên cao học về thương mại hóa công nghệ. Đó là chương trình 10 tuần phỏng theo chương trình I-Corps của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), do Giáo sư Wong Poh Kam - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp NUS, giảng dạy và phát triển với sự cố vấn của Giám đốc chương trình I-Corp Hoa Kỳ. Chương trình bắt đầu tại NUS (2013-2015), sau đó được mở rộng ra cả bốn trường đại học hàng đầu ở Singapore với nguồn tài trợ 5 năm của NSF.

Với kinh nghiệm của người từng dẫn dắt Trung tâm Khởi nghiệp NUS, GS. Wong Poh Kam lưu ý, để có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới và khởi nghiệp trong khu vực/quốc gia, các đại học cần nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân liên quan. Quan trọng hơn, cơ quan phụ trách vai trò phát triển hệ sinh thái đổi mới và khởi nghiệp của trường đại học cần được trao đủ quyền tự chủ và tính linh hoạt, nhất là ban lãnh đạo của cơ quan đó phải kết hợp cả uy tín học thuật và năng lực kinh doanh.

Nguồn: