Đề xuất "Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT)", của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội sau nhiều nỗ lực đã nhận được tài trợ gần 100.000 USD cuả Dự án FIRST.

Sáng 17/9/2016, Ban quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST) đã tổ chức hội thảo "Giới thiệu Dự án FIRST và Hướng dẫn viết hồ sơ đề xuất tài trợ", tại Hà Nội. Trước đó ngày 13/09 đã diễn ra hội thảo tương tự tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm cung cấp cho các ứng viên những thông tin và yêu cầu quan trọng để có hồ sơ tốt, nắm rõ tiêu chí dự án, đồng thời nắm được các khoản tài trợ chính và mức đầu tư tối đa của dự án FIRST.

Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án FIRST phát biểu khai mạc.

Tính đến thời điểm này, dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) đang tạo sức hút vô cùng lớn với nhiều cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Tại buổi hội thảo ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án FIRST: "Đợt đầu tiên của dự án với được sự đồng ý của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng Bộ Khoa học & Công nghệ chúng tôi đã lựa chọn và trao tài trợ cho 11 đề xuất. Đây là những dự án hết sức tiềm năng, thông qua dự án các đề xuất cũng đã có những cam kết cụ thể".

Một trong những đề xuất thuộc khối các viện, trường nổi bật là đề xuất "Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT)".

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Trung, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ (Đại học Bách Khoa Hà Nội) người trực tiếp tham gia đề xuất cho biết, lĩnh vực Điện tử - Thông tin là một trong các hướng ưu tiên phát triển công nghệ, nhưng tại Việt nam có rất ít, hoặc là không có các nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo linh kiện điện tử nói chung và linh kiện HEMT nói riêng. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng tất lớn đến nền công nghiệp phụ trợ.

Như vậy, việc nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất thế hệ linh kiện mới (GaN/AlGaN HEMT) là hết sức cần thiết đối với ngành công nghiệp điện tử ở mức độ khởi đầu của Việt nam. Thông qua các khóa đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, các nhà khoa học trẻ của ĐH Bách Khoa được tiếp cận với các cơ sở nghiên cứu tiên tiến, cùng với sự hợp tác nghiên cứu khoa học, tiếp nhận công nghệ mới.

"Đây sẽ là một “lực đẩy” mạnh làm nền tảng cho sự phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất linh kiện điện tử ứng dụng cho các lĩnh vực trong cuộc sống và an ninh quốc phòng tại Việt Nam", TS Trung nhấn mạnh.

"Tính chất nổi trội của linh kiện mới này so với các linh kiện truyền thống trên cơ sở Silic là có tần số làm việc rất cao, nhiệt độ làm việc cao, điện trường đánh thủng cao và vận tốc chuyển động của điện tử lên tới 107 cm/s (tốc độ tàm việc cao). Thế hệ linh kiện này sẽ được ứng dụng chủ yếu trong các thiết bị điện tử - thông tin (điện thoại di động, liên lạc vệ tinh, radar…)", TS Trung nói.

Đối với đề xuất này của ĐH Bách Khoa, dự án FIRST đã giúp cung cấp nguồn kinh phí ban đầu gần 100.000 USDnhằm phát triển hướng nghiên cứu ở Việt Nam, mời các chuyên gia (trong đó có người Việt) đang làm việc tại các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới về lĩnh vực chế tạo linh kiện GaN/AlGaN HEMT, tới Việt nam giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Như vậy, có thể khẳng định đây là phương pháp tiếp cận thành tựu công nghệ mới một cách hiệu quả và nhanh nhất, dự kiến sau 5 năm sẽ hoàn thành nghiên cứu công nghệ này.

"Một trong những điểm mới mà FIRST tài trợ là có sự liên kết, lan tỏ, liên kết doanh nghiệp với các viện các trường và thông qua môi trường thí điểm của Bộ KH&CN đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp", ông Trần Quốc Thắng chia sẻ thêm.