Hai em học sinh lớp 9 Trường THCS Phùng Hưng (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) vừa giành giải nhì với sáng kiến "Đèn học tiết kiệm đa năng". Đây là nhóm tác giả trẻ tuổi nhất giành giải tại cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ 2.

Sáng 2/6, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành trao giải "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ hai năm 2018.

Sau 9 tháng phát động cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ hai (từ 25/5/2017 đến 28/2/2018), Ban tổ chức đã nhận được gần 400 sáng kiến của các tác giả và nhóm tác giả, bao gồm các sáng kiến, ý tưởng, dự án sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động thiết thực vì cộng đồng.

Qua hai vòng thẩm định của hội đồng sơ khảo và hội đồng chung khảo, căn cứ theo các tiêu chí: Tính phát triển, đối tượng tác động và kết quả mong đợi, tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững và khả năng nhân rộng, hiệu quả chi phí, năng lực của đơn vị triển khai, ban tổ chức đã lựa chọn 12 sáng kiến để trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích.

Cụ thể, giải nhất (1 giải) được trao cho sáng kiến "Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm".

Giải nhì (2 giải) thuộc về các sáng kiến "Bếp lò đun nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao" và "Đèn học tiết kiệm đa năng".

Giải ba (3 giải) thuộc về các sáng kiến "Vì cuộc sống hòa nhập cho người khuyết tật", "Sản xuất muối sạch tự động và tận thu nước ngọt với lều sấy lắp ghép bẫy nhiệt năng lượng mặt trời", và"Ứng dụng truyền tải thông tin ngập (UDI Maps) tại TPHCM.

6 giải khuyến khích được trao cho các sáng kiến: "Đẩy mạnh công tác giáo dục vùng biên và phối hợp giải quyết việc làm cho đồng bào biên giới","Thắp sáng cộng đồng", "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên", "Lan can cầu thang thoát hiểm cháy nổ","Tuyên truyền bảo vệ môi trường nguồn nước và hành lang hồ chứa thủy điện", "Thu thập và cung cấp số liệu về độ mặn nguồn nước góp phần phục vụ nông nghiệp, phát triển đời sống nông thôn và đời sống con người".

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trao giải nhì cho các tác giả, dự án đoạt giải. Ảnh: Ngũ Hiệp

Trong đó, đáng chú ý, có một giải nhì được trao cho hai học sinh lớp 9 trườngTHCS Phùng Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên) với sáng kiến "Đèn học tiết kiệm đa năng", hoạt động dựa trên nguyên lý các cảm biến sẽ điều khiển hoạt động của đèn nhằm giúp học sinh ngồi đúng tư thế. Nếu người học ngồi đúng tư thế, cảm biến thu được tín hiệu thì đèn sáng; nếu người học cúi thấp, cảm biến ở trên không thu được tín hiệu thì đèn tắt và loa bíp kêu.

Ngoài ra, đèn còn có hệ thống hỗ trợ như siêu âm đuổi muỗi cho việc học tập tốt hơn, hệ thống media giúp tăng cường khả năng học tiếng Anh, giải trí. Tại cổng cắm USB, có thể cắm quạt để làm mát hoặc cắm đèn ngủ.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói về tác động của cuộc thi: Từ khi ra đời đến nay, mỗi năm số lượng cá nhân, tập thể tham gia dự thi ngày càng tăng, chất lượng, lĩnh vực nghiên cứu càng đa dạng, ứng dụng thực tiễn hơn, thu hút sự tham gia của nhiều giới, nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi hơn. Điều đó cho thấy uy tín của giải thưởng cũng như sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ cộng đồng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội dành cho cuộc thi ngày một lớn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Ngũ Hiệp

"Cuộc thi không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học, thành tựu khoa học công nghệ, tuyên truyền phổ biến tri thức khoa học mà còn mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê khoa học sáng tạo, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam" - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Bên cạnh đó, bà đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và các cơ quan tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, đồng thời có giải pháp huy động các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội tham gia cuộc thi, thông qua đó tìm kiếm, kết nối các tổ chức cá nhân hỗ trợ, triển khai các sáng kiến tiềm năng, tổ chức, giới thiệu các sáng kiến trong nhân dân tới các doanh nghiệp.

Đồng thời Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn có sự hỗ trợ, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, các tổ chức để các sản phẩm có giá trị cao, đạt chất lượng tốt, đáp ứng ngày càng cao của đời sống xã hội.

Trước đề nghị của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sẽ đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ và tạo môi trường chính sách thuận lợi cho lực lượng cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên ngành, chuyên môn sâu cũng như cộng đồng người dân yêu khoa học đam mê sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trên khắp cả nước.

"Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các ngành, các cấp luôn mong muốn triển khai các giải pháp về chính sách cũng như các hoạt động cụ thể để thúc đẩy, phát triển và lan tỏa phong trào sáng kiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sức cạnh tranh của doanh nghiệp" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.